Người đam mê lưu giữ ký ức và giá trị đặc biệt qua những tem thư
Với gần 30 năm say mê, tìm tòi, sưu tầm, đến nay anh Vũ Hoài Nam ở phường Nam Vân (thành phố Nam Định) đã có bộ sưu tầm với hàng nghìn con tem thuộc nhiều thể loại, đặc biệt, có những bộ tem quý hiếm, mang đậm giá trị và chiều sâu văn hóa lịch sử Việt Nam.

Anh Vũ Hoài Nam (người ngồi giữa) và những người bạn có cùng sở thích sưu tầm, chơi tem.
Anh Nam bắt đầu đam mê thú chơi này từ năm 1998, khi một người bạn thân đã tặng bộ 50 con tem với tên gọi “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” để làm kỷ niệm. Với anh, đó là món quà không thể đo đếm bằng tiền bạc. Từ những dữ liệu ban đầu, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các họa tiết, hoa văn, chủ đề được in trên những con tem vì qua đó có thể biết về lịch sử, con người, văn hóa, nghệ thuật... Tuy nhiên do không có nhiều kiến thức về tem, chưa có kinh nghiệm phân biệt chủ đề tem... và khoản kinh phí để duy trì hoạt động mua tem lại rất eo hẹp nên anh tìm đến Công ty Tem trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội để mua một cuốn sách giới thiệu về tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 1945-2005. Mỗi con tem đã cuốn hút, chinh phục, kích thích trí tò mò, lòng ham hiểu biết khám phá của anh. Vẻ lấp lánh của màu sắc, lúc rực rỡ hào hoa, khi thâm trầm lắng đọng, những đường nét khi mạnh mẽ, lúc khoan thai cùng chiều dài lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp của đất nước dường như có lực hút diệu kỳ, khiến anh Nam không thể rời, càng khó để dứt bỏ. Sau này, anh có mua thêm cuốn sách giới thiệu về tem bưu chính Việt Nam giai đoạn 2006-2010 để cập nhật thông tin và sưu tầm tem. Những cuốn cẩm nang này đã giúp anh khai phá được những điều thú vị, biết thêm nhiều kiến thức trong quá trình sưu tập bộ tem xưa. Tiêu biểu như: ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, vì chưa kịp phát hành tem mới nên đã lấy một số tem Đông Dương cũ in đè lên mặt tem các chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Độc lập, tự do, hạnh phúc”, “Bưu chính”, “Quốc phòng”, “Cứu đói”, “Dân sinh”… để tạm thời sử dụng trên mạng bưu chính. Tổng cộng có 13 dạng tiêu đề khác nhau được in đè lên 53 mẫu tem Đông Dương tạo thành 57 mẫu tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn bộ các mẫu tem này do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Anh Nam chia sẻ: “Tem bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1946 có tên gọi là tem tạm thời hoặc tem Đông Dương in đè. Trong đó, ở tiêu đề Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 10 mẫu, ở tiêu đề Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bưu chính có 19 mẫu, ở tiêu đề “Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” bưu chính có 9 mẫu”. Ngày 2/9/1946, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ nhất, Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Sắc lệnh số 172/SL ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ với tiêu đề: Kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Bộ tem này do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, có cùng mẫu vẽ, in thành 5 tem, màu sắc và giá mặt khác nhau. Trong đó, có 2 tem phụ thu cứu quốc (6 hào và 9 hào). Hay như mốc sự kiện, tháng 5/1949, nhân kỷ niệm lần thứ 59 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem thứ hai. Bộ tem này được in tại nhà in Trung ương Việt Bắc (tỉnh Phú Thọ). Bộ tem thứ 3 được in vào năm 1951 nhân kỷ niệm lần thứ 61 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế. Bộ tem 4 mẫu với 4 màu sắc khác nhau, phát hành vào tháng 4/1968, có cùng nội dung: “Không có gì quý hơn độc lập tự do, đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên!”. Đặc biệt, trong năm 1953 và 1954, Bưu điện Việt Nam phát hành 2 bộ tem có mặt giá ghi bằng ki-lô-gram (kg) thóc, chứ không tính bằng tiền Việt Nam (đồng). Ngày 2/7/1976, Quốc hội của nước Việt Nam quyết định đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tại thời điểm này, tem của Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhập vào thành tem Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hiệu trên tem là Việt Nam. Trong số 1.001 bộ tem giai đoạn 1945-2010, theo anh Nam có 3 bộ tem quý và giá trị, anh phải mất nhiều năm mới hoàn thành được trọn 3 bộ tem này. Cụ thể, bộ tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi (1927-1951) phát hành tháng 11/1956, với 4 mẫu; bộ tem Thương binh phát hành vào tháng 9/1963, với 3 mẫu; bộ tem Binh sĩ phát hành vào tháng 9/1966, với 3 mẫu.
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhiều nhóm, hội mua bán, trao đổi tem xưa được thành lập. Anh Nam tham gia vào các hội, nhóm để giao lưu, tìm hiểu thêm những thông tin gắn với niềm đam mê của mình. Đối với những bộ tem quý có giá trị, anh đến tận nơi, xem trực tiếp và trao đổi với người bán. Ngoài ra, anh Nam còn sưu tầm tem theo từng chủ đề, như: Chim, thú, loài hoa, tàu thuyền, hàng không… với số lượng lên đến hàng nghìn con tem. Những chủ đề này anh không chỉ sưu tầm tem Việt Nam, mà còn có nhiều tem của các nước khác trên thế giới. Hiện tại, anh Nam đang sở hữu khoảng 10.500 con tem, nhiều bộ tem có giá trị được nhiều người săn lùng. Với nhiều người “chơi tem” như anh Nam, những con tem đã được đóng dấu của bưu điện, đã hoàn thành sứ mệnh "đưa tin" mới thực sự có giá trị sưu tầm. Người sưu tầm tìm tòi, gìn giữ những con tem đó không phải ở giá trị vật chất mà ở chính giá trị tinh thần, ý nghĩa của những con tem. Chơi tem vì vậy không chỉ cần kiên nhẫn, cần cù, có kiến thức mà còn phải cần có cái duyên để sưu tầm những con tem theo đúng chủ đề mong muốn. Nguyên tắc tem là không tái bản, lâu dần nếu không sưu tầm và cất giữ, con tem sẽ bị mất đi. Vì vậy, những con tem được anh Nam cất giữ và phân loại rất khoa học theo thời gian. Theo anh Nam, đây không đơn thuần là sở thích mà nó đã trở thành đam mê. Bởi mỗi con tem chứa đựng trong đó những câu chuyện rất thú vị không chỉ là niềm đam mê mà còn là hướng tới giá trị của cái đẹp, của văn hóa và lịch sử được ghi dấu trên những con tem.
Thú chơi tem dù đã không còn sôi nổi như xưa, những lá thư tay đã dần bị thay thế bằng thư điện tử, nhưng giá trị của những con tem với lịch sử đất nước thì không bao giờ mất đi. Anh Nam đang có dự định xây dựng một không gian nhỏ để trưng bày các album tem xưa, với mục đích cho các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam qua các chủ đề trong mỗi bộ tem.