Chuyện chưa kể về những 'bông hồng thép' trên thao trường luyện tập diễu binh 30-4
Hơn 3 tháng qua, trên các thao trường tại TP.HCM và Đồng Nai, hàng trăm 'bông hồng thép' miệt mài tập luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh 30-4.
Video: Một ngày khổ luyện của 127 nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Thượng tá Phạm Đại Đồng, Phó Trưởng phòng huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ Cảnh sát cơ động, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an, thông tin lực lượng Công an nhân dân (CAND) tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tổng quân số 3.408 đồng chí.
Nguồn cán bộ tham gia diễu binh, diễu hành được tuyển chọn các khối là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các học viên trường CAND khu vực phía Nam.

Trong số các khối tham gia tập luyện của lực lượng CAND tại Sở Chỉ huy diễu binh, diễu hành ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đáng chú ý với những "bóng hồng" cảnh sát đặc nhiệm và cảnh sát giao thông (mỗi khối 128 chiến sĩ) đội nắng bám thao trường, vượt qua mọi trở ngại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc kế hoạch đã đề ra.
Thời tiết nắng nóng không thể cản bước chân các cô gái hừng hực khí thế tiến về phía trước. Tiếng quân nhạc vang đều mỗi buổi sáng, chiều; tiếng bước chân đi đều rền vang, tiếng cán bộ phụ trách từ tốn nhắc nhở từng chiến sĩ; tất cả như hòa cùng một nhịp, xua tan đi hết tất cả những khó khăn xung quanh.
Những giọt mồ hồi lăn dài trên gương mặt các chiến sĩ, nhưng đổi lại bằng hình ảnh cả khối đi đều, từng động tác chân kết hợp đánh tay nhuần nhuyễn là thành quả suốt nhiều ngày tháng đội nắng say sưa luyện tập trên thao trường.






Khối nữ cảnh sát giao thông với 128 chiến sĩ tham gia hợp luyện diễu binh 30-4. Ảnh: HOÀNG GIANG
Danh Anh Thư, Học viên Đại học An ninh nhân dân, tham gia khối nữ cảnh sát giao thông, vừa hoàn thành các bài trong buổi hợp luyện, cô cùng các đồng đội trong khối tiếp tục tập thêm để hoàn thiện các động tác còn chưa tốt.
Anh Thư cho biết việc các cô gái tập luyện với cường độ cao trong điều kiện thời tiết nóng rất mệt. Có một số đồng đội phải xa nhà trong thời gian dài để tập luyện nhưng mọi người luôn quyết tâm hoàn thành, đáp ứng tất cả các bài tập mà giáo viên đưa ra.
“Như bao chiến sĩ có mặt tại đây, tôi cảm thấy đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vinh dự, tự hào. Nhìn chung đến nay, các chiến sĩ đã thuần thục các nội dung huấn luyện từ động tác đến kỹ thuật chuyên môn. Điều bản thân tôi mong chờ nhiều nhất là mọi người sẽ càng hoàn thiện hơn, cháy hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại” - Anh Thư chia sẻ.

Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó trưởng Tiểu ban diễu binh, diễu hành Bộ Công an, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động, thăm hỏi và động viên các chiến sĩ nữ thuộc khối cảnh sát giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG


Danh Anh Thư, Học viên Đại học An ninh nhân dân, trong đội hình nữ cảnh sát giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG





Tinh thần quyết tâm, vui tươi hiện lên từng gương mặt nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngô Vũ Mai Anh, Học viên Đại học Cảnh sát nhân dân, tham gia khối nữ cảnh sát đặc nhiệm không giấu được niềm vui khi bản thân là thành viên tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30-4.
"Hơn một tháng nữa, em và đồng đội sẽ làm nhiệm vụ chính thức, ai cũng háo hức, bồi hồi mong chờ ngày bước đi trên con đường Lê Duẩn (quận 1,TP.HCM). Chúng em ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân nên dù tập luyện khó khăn như thế nào cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ chung" - Mai Anh tiếp lời.
Theo Sở Chỉ huy diễu binh, diễu hành của Bộ công an, các khối đã trải qua quá trình dài tập luyện và 5 lần hợp luyện, công tác huấn luyện đã hoàn thành giai đoạn 2, cơ bản đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Từng cá nhân đã hoàn thiện các nội dung huấn luyện theo yêu cầu, đảm bảo hiệp đồng giữa các hàng gồm 1 hàng, 2 hàng, nửa khối và cả khối diễu binh, diễu hành theo nhạc.
Tổng thể các khối đã đáp ứng tiêu chuẩn giữa hàng ngang, hàng dọc và hàng chéo, đảm bảo thể lực các chiến sĩ đủ để đi từ 5-6km. Bên cạnh công tác huấn luyện thì công tác hậu cần, y tế, đảm bảo nơi ăn, ở, sức khỏe, sinh hoạt và tập luyện cũng được quan tâm một cách đặc biệt.





128 nữ chiến sĩ khối cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kiểm tra tại buổi hợp luyện lần thứ 4, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Trưởng Tiểu ban diễu binh, diễu hành Bộ Công an, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã biểu dương, khen ngợi tinh thần, trách nhiệm của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ các khối, các ban đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vất vả, hoàn thành huấn luyện giai đoạn 1 và 2, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch.
“Với tinh thần “chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, Tiểu ban diễu binh, diễu hành Bộ Công an tin tưởng Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành cũng như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ sẽ luôn đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.




Mồ hôi chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm trên thao trường. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chiến sĩ nữ cảnh sát đặc nhiệm trong giờ giải lao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Được lệnh triệu tập từ cuối tháng 12-2024, 128 nữ dân quân tự vệ tham gia khối nữ du kích miền Nam đã trải qua hơn 3 tháng huấn luyện gian khổ trên thao trường Bộ Tư lệnh TP.HCM. Trong số này, có khoảng 50% quân số từng tham gia diễu binh, diễu hành lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua.
Như hàng nghìn đồng đội trên các thao trường huấn luyện khác, các nữ chiến sĩ khối du kích miền Nam vẫn ngày đêm nỗ lực, vượt mọi khó khăn để cố gắng cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vào ngày 30-4.



Những "bóng hồng" khối nữ du kích miền Nam mặc trang phục dân quân tự vệ để tập luyện tại Bộ Tư lệnh TP.HCM. Về sau, khối sẽ được thay đổi trang phục chính thức với áo bà ba, nón tay bèo, khăn rằn và súng trường M16. Ảnh: THUẬN VĂN
Thiếu tá Huỳnh Văn Như, Giáo viên huấn luyện, cho biết quá trình luyện tập diễu binh, diễu hành của khối gồm 4 giai đoạn kéo dài từ 23-12-2024 đến 30-4-2025. Các nữ dân quân sẽ tập động tác cá nhân từng người không có súng, từng người có súng, đội hình, đội ngũ...
Mỗi ngày, đơn vị sẽ báo thức vào 5 giờ 15 phút, khối sẽ tham gia vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng, sau đó tổ chức tập luyện trong buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ. Riêng buổi chiều thì căn cứ vào thời tiết, đội ngũ giáo viên sẽ quyết định thời gian luyện tập nhưng trung bình vẫn đảm bảo đủ ít nhất 6 giờ/ngày. Dù tập luyện ở cường độ cao nhưng các thành viên luôn duy trì nghiêm về mặt kỹ thuật, chuyên môn để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho đội hình.


Lý Mỹ Phụng (trái) và chị gái Lý Mỹ Uyên trong giờ tập luyện. Ảnh: THUẬN VĂN

Lý Mỹ Phụng và chị gái Lý Mỹ Uyên (thứ hai và thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội khối nữ du kích miền Nam vui vẻ chụp ảnh sau giờ tập luyện. Ảnh: THUẬN VĂN
Bất chấp thời tiết nắng nóng tại TP.HCM kéo dài, nhiệt độ cao có những ngày lên đến 35 độ C. Các nữ chiến sĩ phải mang thêm bao tay, khẩu trang, khăn rằn để hạn chế những ảnh hưởng và bảo vệ sức khỏe. Càng về trưa, trời càng nắng nóng, nhưng các cô gái vẫn miệt mài luyện tập. Không ai bảo ai, tất cả đều cố gắng cùng bước đi thật đều, vung tay thật chuẩn, hô điều lệnh thật rõ.
Vinh dự khi lần thứ 2 được làm nhiệm vụ tại ngày lễ trọng đại của đất nước, nữ chiến sĩ Lý Mỹ Phụng vui mừng chia sẻ, năm 2024, Mỹ Phụng từng là thành viên khối nữ du kích miền Nam tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm nay, khi có thông tin về lễ diễu binh, diễu hành 30-4, cô quyết tâm tiếp tục tham gia. Điều đặc biệt hơn, năm nay đi cạnh cô còn có người chị gái cùng đồng hành cho nhiệm vụ lớn lao này.



Dù tập luyện ở cường độ cao nhưng các thành viên luôn duy trì nghiêm về mặt kỹ thuật, chuyên môn để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho đội hình. Ảnh: THUẬN VĂN

Khối nữ du kích miền Nam tham gia buổi hợp luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7 sáng 2-4. Ảnh: THUẬN VĂN
“Năm vừa rồi, khi chứng kiến em gái tôi khoác lên mình bộ áo bà ba làm nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ, gia đình tôi đã rất tự hào. Năm nay, khi có thông tin về lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nhất đất nước, cùng sự động viên của em gái, tôi quyết định đăng ký lên đường tập luyện.
Mặc dù là đầu tham gia phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng có em gái, có thầy phụ trách tận tình hướng dẫn nên tôi và đồng đội quyết tâm vượt mọi khó khăn để có những bước đi mạnh, đều, đẹp qua Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM) vào ngày 30-4 sắp tới”- Lý Mỹ Uyên (28 tuổi, chị gái Mỹ Phụng) xúc động nói.

Dưới cái nắng rát da, 127 “bóng hồng” khối nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - họ là những quân nhân, chiến sĩ đến từ nhiều đơn vị quân đội trên cả nước đang miệt mài tập luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30-4.
Đây là một trong bảy khối với gần 1.000 chiến sĩ lực lượng vũ trang Bộ Quốc phòng tham gia tập luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TP.HCM).
Trong bộ quân phục K20 gọn gàng, được trang bị áo giáp chống đạn, súng tiểu liên STV-215, mũ và bó gối tay, kết hợp đeo tạ chân với tổng trọng lượng mang trên người nặng đến tầm 8-9kg giúp tôn thêm dáng vẻ khỏe khoắn của những cô gái vốn được coi là chân yếu, tay mềm. Tiếng hô “một”-“hai” cùng tiếng giày đanh gọn của các chiến sĩ xen lẫn tiếng chỉ đạo của các giáo viên làm rộn ràng cả một góc sân tập.

127 “bóng hồng” khối nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn là những nữ quân nhân, chiến sĩ đến từ nhiều đơn vị quân đội trên cả nước. Ảnh: HOÀNG GIANG



Các chiến sĩ đeo tạ chân thực hiện bài tập ke chân trên thiết bị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ngồi giải lao dưới bóng mát sau 1 giờ tập luyện, Binh nhất Nguyễn Thị Thu Thủy, Cục Chính trị Quân khu 7, cho biết cô cùng các đồng đội đã tham gia tập luyện từ đầu tháng 12 đến nay. Mỗi buổi sáng bắt đầu bằng những bài tập ke chân trên thiết bị suốt 2 tiếng đồng hồ, sau đó buổi chiều lại tiếp tục ke chân, đi đều và tập đi đều khối theo nhạc.
Với Thu Thủy và các chiến sĩ trong khối, đây là lần đầu tiên mọi người đeo tạ nặng 0,5kg vào mỗi bên chân để tập thật sự là một động tác khó. Lúc đầu ai nấy đều cảm giác đôi chân như bị đè nặng nhưng sau khi đeo được một thời gian thì cảm giác đau mỏi dần đỡ hơn, nhờ đó giúp tăng thêm sức bền cho chân đảm bảo thể lực đi nghiêm suốt quãng đường 200m.



Các giáo viên phụ trách theo dõi từng bước chân đi của các chiến sĩ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trung úy QNCN Nguyễn Lê Tuyết Nhi, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đảm nhiệm vai trò Khối trưởng khối nữ Biệt động Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG GIANG



Binh nhất Nguyễn Thị Thu Thủy, Cục Chính trị Quân khu 7, cùng các đồng đội vui vẻ chụp ảnh sau giờ giải lao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hạ sĩ Bùi Thị Phương Ngọc, Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đi trong đội hình tổ Quân kỳ. Ngọc là một trong bốn "bóng hồng" ở tỉnh Đồng Nai tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2024. Cô từng lọt vào top 15 tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Hầu như các chị em tham gia diễu binh, diễu hành đều là những nữ quân nhân làm việc văn phòng thường ít khi tập những bài thể lực như thế này nhưng sau khi trải qua 4 tháng luyện tập dưới thời tiết nắng nóng thì da có phần đen hơn nhưng lại khỏe hơn và bước chân đi cứng cáp hơn. Trong tháng nước rút này thì cường độ tập luyện sẽ còn cao hơn nữa nhưng tôi tin rằng với sự quyết tâm của các chị em thì mọi người sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ A50 này” - Thu Thủy khẳng định.
Tranh thủ giờ nghỉ, Thiếu úy Võ Thị Tường Vi, Bộ Tham mưu Quân khu 5 tranh thủ gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khỏe của con mình. Là một trong những “chị cả” của khối, Tường Vi nhớ lại khoảng thời gian đầu tháng 12-2024 cô nhận lệnh tăng cường vào Quân khu 7 tham gia Đại đội nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, cô không khỏi lo lắng bởi không chỉ công tác xa nhà thời gian dài mà còn bởi phải trông cậy cha mẹ hai bên chăm sóc con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới vừa tròn 3 tuổi.



Thiếu úy Võ Thị Tường Vi, Bộ Tham mưu Quân khu 5, hăng say tập luyện và dành thời gian gọi điện về cho gia đình trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thiếu úy Võ Thị Tường Vi chia sẻ bước đầu tập luyện còn gặp rất nhiều khó khăn vì trước đây chưa bao giờ tập với cường độ cao cũng như thời tiết nắng nóng, đặc biệt là phải xa gia đình thời gian dài, phải nhờ ông bà để hỗ trợ. Thế nhưng đổi lại, chồng cô cũng là quân nhân, anh luôn luôn ủng hộ, động viên vợ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà trường cũng tạo điều kiện cho cô và các đồng đội ngoài thời gian tập luyện có thể sử dụng điện thoại để liên hệ về với gia đình, nói chuyện với con; trong giờ nghỉ ở đơn vị thì các chị em cũng chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong tập luyện, giúp đỡ và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn để có những bước đi đều, đẹp và chính xác nhất phục vụ cho đợt diễu binh, diễu hành” - Thiếu úy Võ Thị Tường Vi tâm sự.
Thiếu tá Võ Lê Chí Tuyến, Giảng viên bộ môn Điều lệnh, Khoa Quân sự chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2, được Cục quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu cử tăng cường huấn luyện cho khối nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Anh đánh giá cao tinh thần cố gắng, nỗ lực của các chiến sĩ. Từng người luôn tự giác luyện tập kể cả tập buổi sáng, buổi chiều và ban đêm, ngoài ra còn tập thêm ngoài giờ để hoàn thành đường đi cho tốt.



Đơn vị chuẩn bị thức ăn, nước uống cho các chiến sĩ nữ trong giờ giải lao. Ảnh: HOÀNG GIANG


Từ những người xa lạ nay họ đã trở thành một khối, tập luyện và chia sẻ cùng nhau. Ảnh: HOÀNG GIANG


Đại tá Lê Ngọc Dương, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7 động viên các chiến sĩ.

Thượng tá Trịnh Văn Khuê, Phó Chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 kiểm tra trang bị của các chiến sĩ.
Ảnh: HOÀNG GIANG
“Mặc dù hiện nay đội hình khối đi đã tương đối ổn định, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn luyện tập nhưng với mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ diễu binh, diễu hành thì còn phải đặt ra những tiêu chí cao hơn. Vì vậy nhà trường sẽ tiếp tục duy trì rèn luyện ở mức độ cao cùng với việc động viên, khích lệ để làm sao cho các đồng chí trong khối nâng cao quyết tâm, ý chí phấn đấu vượt qua cái nắng cái nóng, khẩn trương tập luyện; để đến lúc chúng ta diễu binh, duyệt binh đúng vào điểm rơi tốt nhất và đạt được đúng yêu cầu của khối đặt ra” - Đại tá Lê Ngọc Dương, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7, nhấn mạnh.

Các chiến sĩ trở về phòng nghỉ sau một ngày tập luyện. Ảnh: HOÀNG GIANG