Người đam mê nhạc cụ dân tộc

Gần 30 năm qua, ông Lò Văn Phòng, bản Búng, xã Chiềng Sàng luôn đam mê, miệt mài nghiên cứu, chế tác ra những chiếc trống, chiếc chiêng to nhỏ đủ loại, mong góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Thái Yên Châu.

Ông Lò Văn Phòng bên một chiếc trống mới.

Ông Lò Văn Phòng bên một chiếc trống mới.

Khi chúng tôi đến, ông Phòng tỏ ra ngạc nhiên vì có người muốn tìm hiểu về công việc của mình. Dưới mái hiên ngôi nhà sàn khá rộng, người đàn ông đã ngoài 50 tuổi, nước da đen sạm, chầm chậm kể chuyện bằng chất giọng khá trầm. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, nên từ nhỏ ông đã được người cha thân sinh truyền nghề, chỉ dạy các kỹ năng, kỹ thuật chế tạo trống, chiêng, cách tìm chọn nguyên vật liệu để chế tác ra những sản phẩm ưng ý. Cứ như thế, theo thời gian, ông bị cuốn hút, say mê và gắn bó với nghề này cho đến tận bây giờ.

Với khả năng thẩm âm tốt, cộng với sự đam mê, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ở tuổi 18, ông Phòng đã trở thành người chế tạo trống, chiêng có tiếng trong vùng. Cầm trên tay một chiếc trống nhỏ, ông Phòng giới thiệu với chúng tôi: Trống, chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, từ xa xưa gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Tiếng trống, tiếng chiêng từ lâu đã mặc nhiên như một hình thức thông báo mở đầu cho một lễ hội; không chỉ tạo ra không khí, âm thanh sôi động, làm nhạc nền cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật mà còn biểu trưng cho tinh thần gắn kết, hòa quyện cộng đồng. Chính vì vậy, trong các hoạt động cộng đồng làng bản của đồng bào dân tộc Thái Yên Châu không bao giờ thiếu âm thanh vang động, trầm lắng của tiếng trống, tiếng chiêng.

Cũng chính vì vậy, theo ông Phòng chế tạo nhạc cụ đòi hỏi phải xuất phát từ niềm đam mê, sự khéo léo và trình độ hiểu biết về âm sắc, đặc tính của loại nhạc cụ đó. Để làm một chiếc trống dài khoảng 75 cm, đường kính 40-42 cm, đầu tiên là tìm cây gỗ chắc, thường là loại gỗ tếch bởi không bị cong vênh, nứt vỡ, lại dễ bào gọt, thuận tiện trong chế tác. Da bịt mặt trống phải chọn da bò già, còn da trâu thì tiếng trống không hay bằng mà lại rất dễ bị thủng.

Còn để chế tạo một chiếc chiêng hoàn chỉnh đường kính 45-48cm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thường thì những chiếc chiêng được ông Phòng gò chứ không đúc, bởi thế chúng rất bền và khó vỡ. Nguyên liệu làm chiêng thường là sắt tấm, độ dày khoảng 1,5 mi-li-mét. Ông Phòng bảo việc đầu tiên là dùng búa dát mỏng, rồi phay tròn miếng sắt theo kích cỡ đã chọn, sau đó mới gò thành hình sản phẩm. Trong các công đoạn thì gò núm chiêng là khó và quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự kiên trì. Nếu gò chỗ dày chỗ mỏng thì coi như chiêng hỏng; gò càng đều thì âm thanh chiêng phát ra càng trong, càng vọng. Hơn thế nữa, phải chế tạo làm sao để cho tiếng chiêng ăn khớp, hòa quyện vào tiếng trống, thì những âm điệu của trống, của chiêng mới trình tấu được nét riêng có, đặc biệt của dân tộc Thái.

Am hiểu đặc điểm âm sắc của các nhạc cụ và thành thục trong các công đoạn chế tạo, gần 30 năm gắn bó với nghề, ông Phòng đã chế tác được gần 800 bộ trống, chiêng với chất lượng âm thanh chuẩn, kiểu dáng thiết kế đẹp và độ bền cao. Mỗi bộ trống, chiêng ông làm ra đều chứa đựng tâm huyết với tình yêu dân tộc, giá trị văn hóa; được các cá nhân, đội văn nghệ, đoàn ca múa nhạc trên địa bàn tỉnh và một số huyện của nước bạn Lào ưa chuộng và tìm đến tận nơi để đặt mua. Mong muốn của ông Phòng là các thế hệ sau tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, để tiếng trống, tiếng chiêng luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguoi-dam-me-nhac-cu-dan-toc-29263