Người đam mê với công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Từ khi tốt nghiệp Cử nhân sinh học và sau này bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ sinh học, ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị là người đam mê, nhiệt huyết với sinh học, vì thế ông đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.
Ở vai trò là Giám đốc BQL Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng-giai đoạn 2”(viết tắt là BCC) Quảng Trị, ông Nguyễn Trường Khoa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để dự án triển khai thuận lợi. Mục tiêu của dự án là thiết lập hệ thống hành lang đa dạng sinh học nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực thông qua các hoạt động chủ yếu liên quan đến trồng, quản lí, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế, cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và hỗ trợ cộng đồng từ quỹ tín dụng nhỏ (CDF).
Theo đánh giá của các chuyên gia, BCC là một dự án phức tạp về quản lí cũng như tổ chức thực hiện, bộ máy tổ chức phân thành nhiều cấp từ trung ương xuống xã, thôn; cơ chế tài chính phải tuân thủ theo quy định của Nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam, nhiều hoạt động được triển khai dưới hình thức thí điểm (như cấp sổ đỏ cho rừng cộng đồng, thành lập hành lang đa dạng sinh học...), hướng dẫn tài chính và kĩ thuật của dự án chưa được hoàn thiện kịp thời trong quá trình triển khai. Với tính chất phức tạp là vậy nhưng ông Khoa luôn nỗ lực trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án tại Quảng Trị cũng như các tỉnh lân cận.
Nhờ sự nỗ lực và chỉ đạo sát sao của ông mà Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong 3 tỉnh tổ chức thành công hoạt động lập hồ sơ giao rừng cộng đồng; lập mô hình cấu trúc rừng bền vững và cắm mốc ranh giới cho 3.313,5 ha rừng cộng đồng; hoàn thành hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp hộ gia đình cho 900 ha rừng trồng của dự án; tiên phong hoàn thiện hồ sơ và thực hiện công trình cơ sở; hoàn thành gần 1.500 ha trồng phục hồi rừng trên đất trống (đây là hoạt động gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thiết kế, vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc rừng); hỗ trợ 23 công trình hạ tầng quy mô nhỏ cho 12 xã dự án tại địa bàn 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa; vận hành tốt quỹ phát triển xã (CDF) và hỗ trợ vật tư sinh kế cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng và quản lí rừng cộng đồng của dự án.
Vì thế tính đến cuối năm 2018, hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu BTTN Đakrông và Bắc Hướng Hóa đã được thành lập kèm theo khung kế hoạch quản lí hành lang từ năm 2019-2023. Với kết quả này, dự án được đánh giá là cơ bản đạt được mục tiêu chính.
Nối tiếp kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ về rừng ngập mặn, ông Khoa cũng rất quan tâm chỉ đạo phát triển diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn. Với cương vị là lãnh đạo sở, ông đã tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai các dự án khôi phục và phát triển rừng ngập mặn. Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường triển khai phục hồi rừng ngập mặn với diện tích 2,5 ha tại thôn Tân Xuân, xã Gio Việt. Chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn triển khai thực hiện 2 dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững gồm dự án tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải và sông Thạch Hãn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai trong giai đoạn từ 2015-2020 và dự án xây dựng mô hình rừng ngập mặn tỉnh Quảng Trị được triển khai tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong với tổng quy mô các dự án lên đến gần 64,5 ha, đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 61 ha. Đến nay, những khu rừng ngập mặn bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan.
Việc trồng thành công diện tích rừng ngập mặn sẽ tạo thành vành đai rừng ngập mặn để bảo vệ đê sông, ổn định bãi, giảm thiểu thiên tai, sạt lở, xâm nhập mặn, tạo hệ sinh thái tự nhiên, gia tăng tính đa dạng sinh học. Đồng thời việc hành thành hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Đây chính là cái đích cuối cùng mà ông Khoa luôn trăn trở để thực hiện.
Ngoài ra, ông Khoa còn quan tâm chỉ đạo thực hiện các mô hình, sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ vậy trong thời gian qua đã triển khai áp dụng có hiệu quả mô hình bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả như các mô hình: Thiết lập hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn; khoán bảo vệ rừng theo tổ (nhóm hộ gia đình) nhằm tạo điều kiện luân phiên tuần tra bảo vệ rừng; trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại Khu Bảo tồn Bắc Hướng Hóa; quản lí cua đá tại đảo Cồn Cỏ dựa vào cộng đồng; bảo vệ rùa biển dựa trên nhóm cộng tác viên tại các xã ven biển; phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ rừng tại Rú Lịnh và Trà Lộc. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ông mà công tác quản lí bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Trị đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Bên cạnh công tác bảo tồn, công tác phát triển hệ sinh thái tự nhiên cũng rất được quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học được triển khai, thực hiện làm cơ sở đề xuất các giải pháp phục vụ công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái ở tỉnh Quảng Trị. Những kết quả tích cực mang lại về công tác bảo tồn và phát triển đa dang sinh học trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có công lao và sự đóng góp của Giám đốc Nguyễn Trường Khoa.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=139818