Người đàn bà buôn chuyến đánh đổi cả gia đình sau lần xách thuê ma túy
Thấy gói hàng được nhờ cầm nhỏ gọn, Bùi Thị Lưu, SN 1977 ở Khánh Yên, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai vui vẻ nhận lời. Trên đường về, Lưu nghĩ tới chuyện sẽ dùng khoản tiền công 2 triệu đồng vào việc mua chiếc tivi để bọn trẻ không phải sang hàng xóm xem nhờ vì tivi nhà quá cũ. Thế nhưng cái mà chị ta nhận lại không phải là tiền công mà là bản án 20 năm tù giam.
“Điều khiến tôi đau khổ nhất không phải người chồng bội bạc, lấy vợ khi tôi còn chưa có án mà chính là những đứa con. Gần 10 năm nay, chúng không một lần hỏi thăm tôi”, Lưu tâm sự, đôi mắt đỏ hoe.
Mất tất cả vì tham
Thế nên khi chúng tôi vừa cất lời hỏi về gia đình, phạm nhân Bùi Thị Lưu đã nước mắt lưng tròng. Sau một hồi nức nở, Lưu cất giọng nhờ vả: “Em gửi thư về nhà nhiều lắm rồi mà không nhận được bất cứ lá thư nào của gia đình. Hay là thư em không được gửi đi, nhờ các chị gửi giúp xem có đến tay chồng con em không, địa chỉ nhà em đây”.
Kể từ ngày bước chân vào trại giam Quyết Tiến thi hành bản án 20 năm tù giam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Lưu chưa một lần được gia đình tới thăm. Ngay cả một lá thư thăm hỏi cũng không có mặc dù chị ta có tới 3 đứa con và đứa con trai lớn năm nay cũng tròn 20 tuổi. Không dám tin vào sự thật bị gia đình bỏ rơi, Lưu vin vào lý do có lẽ nhầm địa chỉ hoặc thư không được gửi.
Quê gốc của Lưu ở Lai Châu nhưng từ lúc biết hẹn hò đến khi một nách ba con, nơi cô sống lại là Khánh Yên, Văn Bàn. Do tháo vát và khỏe mạnh nên ngoài những lúc đi rẫy làm nương ra, Lưu lại có thêm thu nhập từ việc buôn bán ở chợ. Nhì nhằng vài thứ đồ dân dụng song cũng đủ để Lưu có thêm đồng chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Chồng Lưu, một người đàn ông võ biền, quanh năm chỉ biết quanh quẩn hết rẫy nương lại đến vò rượu nên mọi chuyện lo lắng trong gia đình đều một tay Lưu đảm nhiệm. Với người đàn bà vùng cao, vốn cam chịu nên chuyện gánh vác mọi việc nặng nhọc trong gia đình nhà chồng là đương nhiên. Thế nên Lưu chẳng một lời phàn nàn, vẫn ngày ngày cặm cụi hết đi chợ lại về trỉa bắp, làm nương. Cuộc sống cứ thế trôi qua, Lưu bằng lòng với người chồng bảo sao nghe vậy và ba đứa con nhỏ dại. Thế mà khi Lưu đi tù, những con người mà cô không quản gian khó, vất vả để làm mong cho họ có miếng ăn ngon, có cái chăn ấm để đắp lại ngoảnh mặt, quay lưng. Vất vả không quật ngã nổi người đàn bà to khỏe như Lưu nhưng sự lạnh nhạt của người thân đã khiến cô bi lụy.
Lưu khóc rất nhiều khi nhắc đến chồng con. Cô bảo đã gần mười năm rồi không nhận được tin tức của gia đình nên không biết các con mình giờ sống ra sao. Nỗi lo canh cánh về chồng con đã khiến Lưu không ngần ngại nhờ chúng tôi “gửi hộ em lá thư về cho các con em. Em sợ địa chỉ lần trước ghi sai”. Sự cô đơn và nỗi nhớ nhà, thương con đã khiến người ta trở nên hồ đồ trong cả suy nghĩ và hành động. Chắc Lưu cũng thế.
Theo lời Lưu thì một buổi chiều cuối tháng 10-2011, Lưu đang ngồi bán hàng ở chợ thì một người đàn ông tới mua hàng sau đó nhờ cô giữ hộ gói hàng, hôm sau có ai tên Vinh tới hỏi thì đưa giúp. Ông ta hứa sau khi làm hộ sẽ trả công 2 triệu đồng. Nghĩ chắc người này vội nên Lưu nhận lời. “Bán hàng xong, tôi đạp xe về, trong lòng nghĩ ngày mai trả họ gói hàng sẽ có 2 triệu đồng thì mua ngay cái tivi màu cho con nó mừng. Chúng đỡ phải sang nhà hàng xóm xem nhờ vì tivi nhà chỉ màu đen trắng”, Lưu kể.
Cô đâu ngờ ngay chiều hôm đó, khi Lưu còn chưa kịp về đến nhà thì bị bắt giữ. Trước sự chứng kiến của một số người đi đường, Lưu chết lặng khi lực lượng chức năng mở gói quà mà cô cầm hộ, bên trong là 1 bánh heroin. Lưu mếu máo giải thích nhưng lời nói vô bằng của cô không thay đổi được sự thật là Lưu bị bắt quả tang với gói ma túy trong thùng hàng.
Ngày Lưu bị bắt, đứa con trai út mới 4 tuổi, khóc nằng nặc khi thấy mẹ bị dẫn đi. Hai đứa con lớn thì trốn vào góc nhà, ghé mắt nhìn theo mẹ. Sau lần đó, Lưu chưa một lần gặp lại các con.
Mong lắm một dòng hồi âm
“Gần 10 năm rồi, các chị có biết tôi đã viết bao nhiêu lá thư và gửi đi không”, Lưu hỏi chúng tôi, vẫn chưa thôi sụt sịt.
Tuần nào cũng viết thư rồi gửi đi, Lưu đã viết rất nhiều thư gửi về cho gia đình nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Cô ngóng tin chồng con, lo cho bọn trẻ ở nhà không biết sẽ sống thế nào khi vắng mẹ. Lòng người đàn bà từ trước đến nay chỉ biết lo toan cho gia đình cứ phấp phỏng không yên nhất là những khi thời tiết thất thường hay Tết đến. Mỗi khi có đợt phạm nhân mới nhập trại, Lưu lại để ý xem họ là người ở đâu, có ai gần nhà mình không để hỏi thăm. Mãi năm vừa rồi mới có một người ở cùng xã phải vào trại giam, Lưu mừng lắm nhưng người đó không biết gì về gia đình Lưu. Lo và mong nhưng trong lòng Lưu lại nhen nhóm hy vọng. “Tính tuổi thì năm nay con trai lớn của em cũng 20 tuổi rồi, chưa biết chừng đã lấy vợ rồi cũng nên. Đứa con gái thì 18, chắc chắn là lấy chồng rồi, chỉ có thằng út là bé thôi”, Lưu nhẩm tính.
Ngày Lưu bị bắt, hai đứa con lớn của Lưu đang học lớp 3, nếu có bỏ học thì cũng không đến nỗi không viết được thư cho mẹ. Lưu chỉ sợ chúng bị bố cấm đoán hoặc cả nhà đã chuyển đi nơi khác sinh sống thì không biết sau này Lưu trở về thế nào. Điều phạm nhân này lo lắng cũng phải bởi cho đến bây giờ đồng bào dân tộc H’Mông vẫn chưa từ bỏ được tập quán du canh, du cư. Vài gia đình trong một dòng họ, thậm chí chỉ cần vài nhà sống quanh một quả đồi, rủ nhau là chỉ hôm trước, hôm sau vợ chồng con cái bồng bế nhau với vài cái xoong nồi, dao dựa… kéo nhau đi. Họ cứ men theo con đường Hồ Chí Minh, nhiều khi cứ men theo triền rừng giáp biên giới mà đi, thấy nơi đâu đất tốt là dừng lại ở cho đến khi đất bạc màu lại đi tiếp. Lưu không sợ chồng lấy vợ khác bởi “người vùng cao chúng tôi không ai đợi ai đâu, thích thì đi lấy chồng khác, vợ khác thôi”. Nhưng điều mà Lưu lo sợ nhất là mất những đứa con mà như thế thì coi như mất chỗ để quay về.
Hỏi Lưu công việc trong trại có vất vả lắm không, cô cười: “Em giúp cán bộ được khối việc đấy, nhiều lúc không phải đi làm”. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, phạm nhân này giải thích: “Em giúp cán bộ nói chuyện với những phạm nhân mới vào, chủ yếu là những người dân tộc thiểu số”.
Do thời gian ở nhà hay đi chợ bán hàng nên Lưu nói được nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc nên khi vào trại giam, cô trở thành “thông ngôn”, giúp cán bộ phổ biến nội quy cho những phạm nhân mới vào là người đồng bào, không nói được tiếng phổ thông. Không chỉ thế, Lưu còn là cầu nối để quản giáo và những phạm nhân chậm tiến bộ hiểu nhau hơn. Những khi ấy, Lưu nói chuyện với họ, đem sai lầm của mình kể cho họ nghe để động viên họ cùng quyết tâm cải tạo.
Với Lưu, mỗi khi được đem khả năng “ngoại ngữ” của mình ra giúp cán bộ, cô chỉ mong sao gặp được một người ở gần nhà mình để hỏi thăm về chồng con. Cô hy vọng các con vẫn nhớ tới người mẹ tội lỗi này để rồi lại nhen nhóm hy vọng tới ngày đoàn tụ.