Người đàn bà hạnh phúc

Chị bạn tôi là người đàn bà hạnh phúc. Hạnh phúc vì được chết trên tay người chồng, nở nụ cười mãn nguyện với gia đình với con cháu, đặc biệt với người chồng.

Họ yêu nhau và lấy nhau, cả hai đều đã một lần lên xe hoa. Chị có một con trai riêng, anh cũng có 1 con trai riêng. Họ không có con chung nhưng họ có chung một trái tim cùng nhịp đập, một suy nghĩ vượt tầm thời gian so với lứa tuổi chúng tôi. Đó là sự mạnh dạn, đi đầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt làm kinh tế.

Anh trông vợ tại giường bệnh.

Anh trông vợ tại giường bệnh.

Anh là một cựu thủy thủ tầu không số đoàn 125 Hải quân. Nhập ngũ 5/1972 theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước. Đeo ba lô trên vai, hành quân bộ vào Thanh Hóa tập luyện. Đoàn quân dài lặng lẽ đi trong bóng đêm, trên quốc lộ 1 về tập luyện tại Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa.

Trong đoàn quân ấy họ bắt gặp những cô sinh viên dẫn xe đạp treo vài chiếc ba lô của người yêu và đồng đội anh, cùng đi với đoàn quân gần ba chục cây số.

Anh chị và đồng đội tại buổi kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ.

Anh chị và đồng đội tại buổi kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ.

Máy bay Mỹ đã đánh gãy cầu Ninh Bình. Đoàn quân đông đúc ấy chỉ được đi tầu hỏa một đoạn rồi xuống tầu hành quân bộ. Họ bò bằng hai chân, hai tay với ba lô con cóc to đùng trên lưng qua cầu Ninh Bình. Cầu đã bị bom Mỹ đánh gãy vài nhịp, chỉ còn hai thanh ray và những thanh tà vẹt bám vào, đung đưa, lủng lẳng. Ngày nghỉ, đêm đi, đoàn quân sinh viên Đại học ấy về đơn vị mới không thiếu một người. Không ai bỏ cuộc, bỏ ngũ. Đúng chất tự hào, tự trọng của những người sinh viên " Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ ".

Chị đọc cuốn sách viết về chồng và đồng đội SVHQ của chồng những ngày cuối đời.

Chị đọc cuốn sách viết về chồng và đồng đội SVHQ của chồng những ngày cuối đời.

Anh được điều động về Hải Quân, làm lính thủy trên con tầu vận tải của đoàn tầu không số đoàn 125. Vừa xuống tầu, vừa được hướng dẫn nghiệp vụ thủy thủ anh đã lên đường làm nhiệm vụ luôn. Chuyến tầu đặc biệt này không phải chở hàng vào miền Nam mà ngược lên phía Bắc chở tầu tên lửa và trang thiết bị, khí tài đi kèm 4 tầu tên lửa về căn cứ của đoàn 172 ở Quảng Ninh. Ngày ấy 4 con tầu tên lửa hai ống phóng( Hai quả tên lửa) là loại tầu hiện đại nhất, hai quả đạn tên lửa có thể nhấn chìm chiến hạm khổng lồ của đối phương. Mỹ rất sợ loại tầu này nên tình báo Mỹ đã theo dõi hành trình từ cảng Vlađivoxtoc của Nga đến Việt Nam.

Ngày 16/12/1972 các tầu 606, 608, 604 của đoàn 125 chở khí tài về trước. 4 tầu tên lửa đi sau, về nước an toàn. Tầu neo đậu sát vách núi thuộc hòn Con Chó, Đầm Mát trên vịnh Hạ Long. Sáng hôm sau các tầu vào hang. Tầu cuối cùng TL906 gặp lúc triều cường, cột ăng ten, ca bin tầu vướng đỉnh hang không vào được. Đành neo sát hòn Con Chó chờ thủy triều xuống. Dù đã ngụy trang kín nhưng tầu vẫn trúng tên lửa Mỹ. Một quả đạn tên lửa trên tầu được phóng ra biển, một quả thả xuống vịnh. Nếu không vùng vịnh sẽ tan nát bởi 2 quả đạn tên lửa phát nổ. Thuyền trưởng Đoàn Giỏi và một thủy thủ hy sinh. Cựu chiến binh Sinh viên Hải quân Lê Trung Hưng là thủy thủ tầu tên lửa TL 906 thoát chết vì anh được thuyền trưởng cử bơi xuồng vào bờ mua thực phẩm. Khi về, tầu chìm, thuyền trưởng và đồng đội tên Thụy hy sinh. Anh nuốt nước mắt đưa thi hài hai người lên đồi chôn. Thật trùng hợp một đồng đội khác là sinh viên khoa Lý ĐHTH Hà Nội tên là Trương Tấn Ngạn cùng nhập ngũ với chúng tôi tháng 5/1972 lại là người đào hai huyệt đó.

Tầu chở khí tài V604 mà anh là thủy thủ đang neo gần đó cũng bị máy bay Mỹ phóng tên lửa cháy rừng rực. Thuyền trưởng Võ Nhân Huân hô:

- 12ly7 bắn! Anh lao lên vị trí khẩu 12,7 ly. Trong lửa cháy, đạn nổ ầm ầm, anh và đồng đội dũng cảm nhả đạn vào máy bay Mỹ. Cuộc chiến đấu kết thúc, anh nhận ra mình đang bắn khẩu 12,7 ly phía đuôi tầu. Chạy lên mũi tầu khẩu 12,7 ly trúng đạn, nòng cong queo, bạt che cháy rụi. Thần chết đã không chọn anh. Nếu anh lên đúng vị trí thì sẽ không có câu chuyện ngày hôm nay.

Anh được Quân đội cử đi học trường Đại học Tổng hợp Moccow. Anh tiếp tục phục vụ ở Hải Quân, lên đến đại úy thì ra quân. Anh gặp người bạn gái cũng một lần lỡ dở, họ về sống cùng nhau. Hai người hiểu nhau, họ cùng sở trường, cùng sở thích, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Họ lao vào làm kinh tế và gặt hái được nhiều thành công.

Số phận chẳng cho ai tất cả. Bảy năm gần đây cô bạn dính trọng bệnh. Hết xạ trị, đến dùng các loại thuốc quý nhất đắt nhất hiện có như nọc bọ cạp của Cu Ba... vẫn không khỏi. Anh đưa chị ra nước ngoài chữa trị.

Bệnh đã phải lùi bước trước tình yêu vô bờ bến, sự tận tụy của người chồng - chàng cựu lính thủy. Khi bệnh tình đã ổn. Chị muốn sang Mỹ thăm con, cháu. Hai vợ chồng bay sang Mỹ. Họ sống những ngày tràn đầy hạnh phúc cùng con, cùng cháu.

Tháng 2 năm 2023 bệnh phát trở lại. Anh đưa vợ vào Bệnh viện Mỹ, ngày đêm trông nom, tự tay nấu cháo, nấu súp bón cho vợ ăn, nâng giấc giấc ngủ, viên thuốc cho vợ. Râu tóc anh bạc trắng trên khuôn mặt gày gò do mất ngủ nhiều ngày. Nhiều đêm anh ngồi cho vợ dựa, vỗ lưng cho vợ dễ thở. Chị nén đau trong tiếng nghiến răng kèn kẹt :

- Em đau quá anh ơi! Để cho em được đi nhanh, đau quá anh ơi!

Anh ứa nước mắt tiêm thêm một mũi mocphin cho chị đỡ đau. Mấy ngày cuối vợ anh sống bằng tình yêu của chồng, bằng nghị lực của mình và bằng thuốc giảm đau loại mạnh Mocphin .

Anh gọi điện cho một anh bạn vừa in cuốn sách về các CCB Hải Quân mà chị đang đọc dở khi còn ở TP.HCM, bảo gửi gấp sang Mỹ để anh đọc cho chị nghe. Khuôn mặt chị sáng lên, nở nụ cười khi nghe chuyện kể về chồng, về những người bạn lính thủy của chồng mà chị đã biết. Đó là nụ cười hiếm hoi trong chuỗi ngày dài trị bệnh.

Nhận được sách, sau những lúc tiêm mocphin, đẩy lùi cơn đau, chị lại mở cuốn sách đọc.

Đêm ngày 9 tháng 5 năm 2023 chị trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người chồng hơn 30 năm yêu thương, chung sống.

Hành trình đưa hũ tro của chị về Việt Nam vô cùng khó khăn. Anh phải bay đi bay lại vài lần để đến tháng 7 năm 2003 chị đã được an nghỉ thanh thản bên những người thân đã nằm ở nghĩa trang TP HCM.

Anh bảo:

- Cuốn sách của mày là cuốn vợ tao đọc cuối cùng trong đời. Bây giờ tao đặt cuốn sách đó trên bàn thờ vợ.

Tình yêu, nghĩa vợ chồng của hai anh chị làm chúng tôi ngưỡng mộ, cảm động và ai cũng tự nhủ:

- Hãy học tập anh ấy! Yêu thương, tận tụy với người vợ đầu gối tay ấp. Còn các bà vợ thì ước được chồng yêu thương như chồng chị.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, viết mấy dòng về đôi vợ chồng bạn để nói rằng:

- Tình nghĩa vợ chồng là duyên, là phận là cho nhau là ở bên nhau trong cả cuộc đời.

Dâng lên vong linh chị một nén nhang. Chúc những người phụ nữ có được tình yêu, nghĩa vợ chồng như đôi vợ chồng bạn tôi ấy.

Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2024.

T.H.Q

Tống Hồng Quân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dan-ba-hanh-phuc-a23624.html