Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) tiếp tục được hỗ trợ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện
Ngày 11/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã trao đổi với Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXVII về nguyện vọng của người dân thuộc khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) mong mỏi tiếp tục được hỗ trợ tham gia BHYT.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều người dân tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) bày tỏ lo ngại trước khả năng các nghị quyết hỗ trợ BHYT và BHXH tự nguyện hết hiệu lực, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ như trước.

Người dân đăng ký khám bệnh BHYT.
Theo đó, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2020 - 2024, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ BHYT và BHXH tự nguyện. Cụ thể, Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 4/8/2020 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND ngày 25/6/2024 quy định tiêu chí, mức chi hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 17/7/2024 quy định hỗ trợ thẻ BHYT cho người từ đủ 65 tuổi trở lên thường trú trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu còn 1.722 người tham gia BHXH tự nguyện với tổng số tiền hỗ trợ cần là 2,273 tỷ đồng; 52.205 người tham gia BHYT với tổng số tiền cần hỗ trợ là hơn 32,98 tỷ đồng.
Tại Bình Dương (cũ), trong giai đoạn 2012 - 2024, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết và triển khai Quyết định số 797/QĐ-TTg về hỗ trợ BHXH tự nguyện và BHYT cho một số nhóm đối tượng. Trong đó, Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 quy định mức hỗ trợ cho giai đoạn 2023 - 2025; Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 7/6/2024 quy định tiêu chí thành lập và mức chi cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Từ các chính sách trên, hàng chục nghìn người dân tại Bình Dương (cũ) đang được hưởng hỗ trợ trong tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua trao đổi nhanh với BHXH khu vực XXVII, đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện cho các nhóm đối tượng do ngân sách địa phương hỗ trợ trước đây. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, đây là tin vui đối với hàng chục ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn và người cao tuổi trên hai địa bàn này.
Để đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người dân trong diện được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, trước đó ngày 4/7, BHXH khu vực XXVII đã có văn bản báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh về việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) cho đến khi nghị quyết hết thời hạn hoặc có nghị quyết mới thay thế.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau sáp nhập, hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh tăng từ 132 bệnh viện lên 164 bệnh viện (công và tư, bộ, ngành). TP Hồ Chí Minh có 38 trung tâm y tế khu vực, 164 trạm y tế (298 điểm y tế), 11 trung tâm không giường bệnh (sẽ hợp nhất các trung tâm có chức năng tương đương), 10.627 phòng khám chuyên khoa, 417 phòng khám đa khoa, 15.611 cơ sở kinh doanh dược và nhà thuốc. Số giường bệnh tăng từ 41.000 lên 49.700 (tư nhân chiếm 15%). Như vậy, với hơn 14 triệu dân, số giường bệnh của TP Hồ Chí Minh giảm từ 42 giường bệnh/vạn dân giảm xuống còn 35,1.