Người đàn bà tự tay sắm lễ, cưới vợ cho chồng

Sau gần 30 năm đầu ấp tay kề nhưng không thể sinh con, bà Tài đã tự tay sắm lễ, hỏi vợ hai cho chồng để mong có được đứa con phụng dưỡng khi tuổi già.

Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trên phim, lại hiện hữu trong đời thực tại gia đình bà Trần Thị Tài (62 tuổi, trú thôn Kim Thành, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Về xã Đồng Lộc, hỏi thăm về người đàn bà cưới vợ cho chồng không ai không biết. Hầu hết người dân đều thấu hiểu và cảm phục tấm lòng vị tha của bà Tài khi chính bà tự tay mình mua sắm sính lễ để cưới vợ cho chồng.

4 lần mất con khi chưa kịp chào đời

Theo lời kể của bà Tài, năm 1974, sau một thời gian tìm hiểu, bà và ông Lê Công Sâm (65 tuổi, trú cùng xóm) nên duyên chồng vợ. Đám cưới của hai người được xem là một cặp “trai tài gái sắc”, nhận được nhiều sự chúc phúc của hai bên gia đình và bà con lối xóm.

Cưới nhau được 3 tháng, ông Sâm lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường tỉnh Quảng Trị, bà Tài khi ấy mới tròn 19 tuổi, một mình ở nhà làm việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ chồng. Thỉnh thoảng, ông Sâm mới cất phép về thăm vợ.

Trong cảnh đất nước chiến tranh, biết rằng người ra đi có thể không trở về. Chính vì nhận thức được điều này, càng khiến vợ chồng bà Tài trông ngóng có được một đứa con để sau này có người nối dõi.

Và rồi, niềm hạnh phúc tột cùng đã đến khi bà Tài biết tin mình mang thai. Đứa con dần lớn trong bụng khiến bà Tài vơi đi nỗi nhớ chồng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bà bị sảy thai trong một lần làm việc quá sức.

Mất đi đứa con đầu lòng, vợ chồng bà Tài đau buồn khôn xiết, người thân dù thương nhưng ai cũng động viên rằng, vợ chồng còn trẻ muốn đẻ bao nhiêu cũng được. Nghĩ vậy, vợ chồng bà cũng nguôi ngoai phần nào.

Nhưng số phận trớ trêu, bà Tài mang thai thêm 3 lần nữa nhưng cả 3 đứa con của bà lần lượt ra đi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.

“Đau buồn lắm, vợ chồng lấy nhau bao nhiêu năm cũng chỉ trông ngóng có đứa con nhưng số tôi nó khổ, ông trời lại không thương. Tôi buồn đã đành nhưng thương ông Sâm, lăn lội khắp chiến trường, về già lại không có đứa con nối dõi, phụng dưỡng”, bà Tài tâm sự.

 Bà Tài nở nụ cười mãn nguyện khi kể về câu chuyện của mình. (Ảnh: Phan Hiếu)

Bà Tài nở nụ cười mãn nguyện khi kể về câu chuyện của mình. (Ảnh: Phan Hiếu)

Biết bà Tài không thể sinh con, nhưng ông Sâm vẫn không ruồng bỏ, ngược lại ông hết sức yêu thương vợ. Cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế trôi đi, dù không ai dám nói ra nhưng việc thiếu vắng tiếng cười của trẻ thơ trong nhà khiến không ít lần bà Tài phải rơi nước mắt trong bất lực.

Tự tay sắm lễ hỏi vợ cho chồng

Thế rồi, sau nhiều năm tháng trăn trở, được sự gợi ý của mọi người, bà Tài về nhà ngỏ ý với chồng cưới thêm vợ để sinh con đẻ cái, có người nối dõi, phụng dưỡng khi về già.

“Lúc đầu nghe nói cưới vợ hai, ông Sâm không nhất trí, ông ấy bảo tôi thích thì tự đi mà cưới chứ ông ấy không đi. Ông ấy bảo cưới về rồi để hai bà đánh nhau tôi ngồi nhìn à”, bà Sâm kể lại.

Mặc dù ông Sâm không đồng ý, nhưng bà Tài đã quyết và kiên trì động viên, thúc giục chồng. Cuối cùng, ông Sâm cũng chịu chiều theo ý vợ, cho dù bản thân không muốn.

Thế rồi, nghe mọi người kể, ở xã Xuân Lộc có một người phụ nữ tên Hòa (44 tuổi) tính tình hiền lành, đã đứng tuổi nhưng không chồng. Bà Tài đã tự mình tìm đến nơi để “duyệt” vợ cho chồng.

Sau gần một ngày tiếp xúc, trò chuyện, bằng tấm lòng nhân hậu, vị tha của mình, cuối cùng bà Tài đã thuyết phục được bà Hòa đồng ý về với gia đình mình.

Năm 2004, khi ấy ông Sâm 52 tuổi, chính bà Tài đã tự tay mua lễ đến nhà dạm hỏi chị Hòa để cưới cho chồng. Biết sẽ làm lẽ nhưng cảm nhận được sự chân thành từ vợ chồng ông Sâm và bà Tài, chị Hòa đã vui vẻ nhận lời.

Ngày mới đưa bà Hòa về, ông Sâm lo nhất là hai người vợ sẽ bất hòa, xích mích. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Với tấm lòng rộng lượng, bao dung của bà Tài, tổ ấm của ba người luôn tràn đầy hạnh phúc.

Là "chị cả", bà Tài luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc bà Hòa như em gái. Hai năm đầu, khi bà Hòa chưa có tin vui, bà Tài rất lo lắng, chạy vạy khắp nơi tìm thuốc thang, mong mỏi bà Hòa sớm có con với chồng.

Thế rồi mọi cố gắng của bà Tài được đền đáp, 4 năm sau khi cưới, bà Hòa sinh hạ được bé trai kháu khỉnh trong sự vui mừng khôn xiết của cả nhà. Sinh nở xong, bà Tài chăm sóc, nâng niu nuôi dưỡng con của chồng như con đẻ của mình vậy.

Vài năm sau, bà Hòa sinh thêm một cậu con trai và một cô con gái nữa khiến căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng nói cười. Hiện tại đứa con trai lớn đã học lớp 5, đứa thứ hai học lớp 2 và đứa con gái út năm nay bước vào mẫu giáo.

Thấy hai người vợ và các con hòa thuận chung sống vui vẻ với nhau, ông Sâm xúc động: “Có lẽ tôi chính là người đàn ông hạnh phúc nhất”.

Còn về phần mình, mỗi lần nhìn vào 3 đứa con chăm ngoan học giỏi, bà Hòa thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bà Tài đã mở lòng để bà có được một gia đình ấm áp cùng những đứa con thông minh, ngoan ngoãn.

Bà Nguyễn Thị Tam (hàng xóm) chia sẻ: "Dù chung chồng nhưng nhiều năm qua, gia đình bà Tài luôn sống hòa đồng, vui vẻ. Chúng tôi thật sự cảm phục sự hy sinh, lòng vị tha và bao dung của bà Tài".

Dù gia đình đông con thì sẽ thêm phần khó khăn, thế nhưng vượt lên nỗi gian truân, cả ba vợ chồng ông Sâm đều đồng lòng vun vén cho gia đình, nuôi 3 đứa con ăn học. Họ đều cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình.

Theo Phan Hiếu/VTC News

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/nguoi-dan-ba-tu-tay-sam-le-cuoi-vo-cho-chong-851735.html