Người dân Bình Phước tìm cách 'hái ra tiền' từ cây tre

Hiệu quả mô hình trồng tre lấy măng mang lại lợi nhuận cao của HTX măng tre Thành Tâm hứa hẹn sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới. Không chỉ vậy, để 'hái ra tiền' từ việc tăng giá trị cây tre ở vùng đất này đang rất cần phát triển các HTX, tổ hợp tác với vai trò 'bà đỡ' nhằm tạo chuỗi liên kết vững chắc từ sản xuất cho đến tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Ở phường Thành Tâm (thị xã Chơn Thành) hiện có khoảng 150 ha trồng cây tre lấy măng. Đây cũng là địa phương trồng nhiều tre lấy măng nhất trong tỉnh Bình Phước. Chính vì trồng nhiều tại một khu vực nên việc xuất bán măng của người dân nơi đây cũng rất thuận lợi. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó, nhiều năm qua, chưa bao giờ sản phẩm măng tre nơi đây bị ế hàng.

Trồng măng tre thu lãi đậm

Từ những hộ trồng tre lấy măng tự phát, cách đây 6 năm, các hộ dân ở phường Thành Tâm đã liên kết lại để thành lập HTX măng tre Thành Tâm. Loại tre mà các thành viên HTX trồng là điền trúc, rất thích hợp với chất đất pha cát ở Chơn Thành. Tre cho măng to, đặc ruột, nặng ký, năng suất cao.

Cùng HTX măng tre Thành Tâm trồng tre lấy măng giúp mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Hiện nay, HTX này đã liên kết với tiểu thương ở các chợ đầu mối ở Tp.HCM tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ thuận lợi, hằng ngày tiểu thương đều lên lấy măng về bán sỉ tại chợ với số lượng lớn.

Vào mùa mưa, năng suất bình quân khoảng 1.000 kg/ha/ngày. Lượng măng thu về mỗi ngày của cả HTX khoảng 20 tấn.

HTX trồng chuyên canh tre lấy măng, sản xuất và cung cấp tre giống, hợp đồng dịch vụ, chế biến sản phẩm măng tre sấy khô.

Nếu tiểu thương vận chuyển về Tp.HCM không kịp, HTX có phương án riêng. Như thời gian qua HTX đã mua máy sấy, công suất sấy 1 tấn/30 tiếng đồng hồ, có nhà xưởng chứa và sơ chế măng. Nếu sấy không hết, gia đình các thành viên luộc hoặc muối chua bán trực tiếp tại chợ và các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, thành viên của HTX thu lời khoảng 150 triệu đồng/ha. Như ông Nguyễn Viết Thanh mỗi năm thu lãi ít nhất 400 triệu đồng từ trồng tre lấy măng. Ông Thanh cho biết, đây là loại cây trồng không quá phức tạp, chỉ cần tưới nước, bón phân là tre cho măng, hiệu quả kinh tế ngang với trồng sầu riêng.

Còn theo anh Võ Xuân Bắc, thành viên HTX, hiện các phụ phẩm của cây tre như thân, lá... được thương lái ở miền Tây đến tận vườn thu mua làm đồ mỹ nghệ, đũa, tăm... với giá từ 8.000-10.000 đồng/cây, 20.000 đồng/kg lá.

Thấy được những điểm lợi khi nông dân liên kết sản xuất nên số lượng thành viên HTX măng tre Thành Tâm ngày càng nhiều. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hộ trồng tre đã xử lý thành công việc cho tre ra măng trái vụ nên giá bán cao.

Vừa giúp giảm nghèo, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới

Nhằm phát huy thương hiệu sản phẩm của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, HTX măng tre Thành Tâm đã xây dựng và vận hành lò sấy măng khô chế biến sâu các sản phẩm từ măng tre với công suất 1000kg/mẻ sấy, qua đó đã sản xuất được 2 tấn măng khô thành phẩm, tương đương 60 tấn măng tươi, trang bị một xe tải phục vụ cho việc vận chuyển măng tre.

Cây tre đang là cây “trồng chơi ăn thiệt” hiện nay của nông dân ở tỉnh Bình Phước.

Cây tre đang là cây “trồng chơi ăn thiệt” hiện nay của nông dân ở tỉnh Bình Phước.

Đây cũng là HTX duy nhất của tỉnh Bình Phước được bình chọn trong Top 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Theo ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm, HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu để có đủ sản lượng xuất khẩu măng ra thị trường nước ngoài.

Nhờ vào việc phát triển thương hiệu của một HTX trồng măng tre như vậy đã đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở địa phương. Cách đây 2 năm, xã Thành Tâm đã UBND tỉnh Bình Phước công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người 78,8 triệu đồng/năm. Nhờ những nỗ lực vượt bậc, trong đó có việc khai thác thế mạnh trồng tre lấy măng đã góp phần đưa địa phương này phát triển từ xã trở thành phường Thành Tâm như hiện tại, qua đó có thêm nhiều điều kiện để phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với ưu thế về địa hình, thổ nhưỡng, nguồn nước, HTX măng tre Thành Tâm hứa hẹn là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Song song với trồng tre lấy măng, nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước còn trồng tre tầm vông để lấy cây. Ngoài làm vật liệu xây dựng như những loại tre khác, tre tầm vông còn được sử dụng làm bàn, ghế, kệ, tủ, đồ dùng trong nhà và hàng thủ công mỹ nghệ.

Trồng tre tầm vông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cho bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đặc biệt, khi sử dụng phân hữu cơ bón cho cây càng đem lại hiệu quả cao. Mỗi năm 1 ha có thể cho thu hoạch 4.000-5.000 cây tre, trong khi chi phí chăm sóc không nhiều.

Ở huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) hiện có khoảng 300 ha cây tre với nhiều loại như: mạnh tông, tầm vông, tre gai truyền thống…, diện tích bình quân mỗi xã từ 20-30 ha. Huyện này đang có định hướng mang tính chiến lược tăng lợi ích cho cây tre trong thời gian tới nhằm giúp nông dân trồng tre có thêm nguồn thu.

Chẳng hạn như công nghệ sản xuất trà lá tre. Việc sản xuất trà lá tre được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn ở huyện Hớn Quản. Sản phẩm này có thể bán ra thị trường như các loại trà thông thường giúp cung cấp dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể, từ đó hướng đến phát triển thực phẩm chức năng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.

Qua tiếp xúc với một công ty áp dụng công nghệ HBO trong quy trình sản xuất trà lá tre, ông Nguyễn Trung Tuấn, Giám đốc HTX chăn nuôi Phước An ở xã Phước An (huyện Hớn Quản) cho biết sẽ tìm hiểu quy trình làm, nếu phù hợp sẽ đầu tư phát triển về lĩnh vực này.

Theo ông Tuấn, công ty nêu trên có đến địa phương khảo sát vùng nguyên liệu cây tre. Hy vọng, công ty sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất trà lá tre cho HTX để người dân nơi đây có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Nâng giá trị cho cây tre từ “bà đỡ” HTX

Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản, cho biết từ trước đến nay, người dân chỉ quen trồng cây tre lấy măng hoặc lấy thân để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, có thêm một tiềm năng mới đó là sử dụng lá tre để làm trà, điều này rất đáng mừng. Cho nên, ông rất mong ứng dụng lá tre để làm trà thông qua mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX sớm được triển khai tại huyện Hớn Quản.

Nâng giá trị cho cây tre với “bà đỡ” HTX sẽ giúp người dân Bình Phước “hái ra tiền”.

Nâng giá trị cho cây tre với “bà đỡ” HTX sẽ giúp người dân Bình Phước “hái ra tiền”.

Theo giới chuyên gia, cây tre được cho là có sức sống mãnh liệt trên mọi chất đất nên được xem là cây chống hạn tốt. Trong các loại cây tre thì có tre tầm vông rất dễ trồng, vốn đầu tư thấp nên nhiều nông hộ có thể trồng được. Đặc biệt, đây là loại cây trồng chịu hạn tốt, không cần nước tưới, thích hợp với mọi loại đất, nhất là những vùng gò đồi, ven sông, suối và có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt khô hạn như ở Bình Phước. Chính vì vậy, tre tầm vông là cây “trồng chơi ăn thiệt” hiện nay của nông dân ở vùng đất này.

Hiện nay, cây tre ở Bình Phước được trồng nhiều ở các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp và thị xã Chơn Thành. Những diện tích vườn tre lớn đang thuộc về một số hộ kinh tế khá.

Nhìn từ hiệu quả của HTX măng tre Thành Tâm hay triển vọng sản xuất trà lá tre thì điều mong đợi cho việc tăng giá trị cây tre ở tỉnh Bình Phước là cần phát triển các HTX, tổ hợp tác cho cây tre ở vùng đất này. Chính các HTX, tổ hợp tác một khi có đủ điều kiện tổ chức hoạt động sẽ đưa cây tre trở thành sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.

Thực ra, cây cao su vốn là cây chủ lực của tỉnh Bình Phước và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường mủ cao su giá không ổn định, một số bà con sau khi thanh lý cây cao su đã hết tuổi mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm để trồng thử nghiệm măng tre. Kết quả thật đáng mừng vì hiệu quả kinh tế từ trồng măng tre vượt trội hơn hẳn so với cây cao su tại thời điểm này.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt sang trồng tre lấy măng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, rất cần các địa phương trong tỉnh Bình Phước có quy hoạch cụ thể, lưu ý người dân nghiên cứu kỹ, có chiến lược phát triển phù hợp, khuyến khích tham vào các HTX để tạo chuỗi liên kết nhằm ổn định đầu ra, thu lợi nhuận cao, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Đây cũng là biện pháp để cây tre ở Bình Phước phát triển theo hướng bền vững.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nguoi-dan-binh-phuoc-tim-cach-hai-ra-tien-tu-cay-tre-1095951.html