Người dân 'bóp bụng' chi tiêu trong bão giá
Giá xăng tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao. Nhiều gia đình phải 'thắt lưng buộc bụng' cắt giảm chi tiêu để duy trì mức sống ổn định.
Giá cả leo thang
Kể từ đầu năm nay, giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh kéo theo giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của các gia đình hiện nay.
Chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Giá cả thực phẩm tăng chóng mặt, nhất là nhu yếu phẩm hàng ngày như thịt, cá, trứng sữa. Trước đây chi tiêu mỗi bữa dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng mỗi bữa cho 3 người. Giá cả thịt cá giờ tăng cao với số tiền đấy chẳng mua được mấy thứ. Mỗi lần đi chợ bây giờ phải tốn ít cũng 200.000 - 300.000 đồng.”
Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, thịt cá, rau củ đều có mức giá tăng cao hơn so với trước đây. Cô Hương, tiểu thương bán thịt tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Giá mỗi kg thịt ba chỉ dao động 150.000-180.000 đồng. Các phần thịt như chân giò, sườn cốt lết, đùi cũng từ 100.000-130.000 đồng. Giá tương đối cao nên người dân đi chợ cũng đắn đo, chi tiêu dè dặt. Vì vậy mà lượng khách mua thịt của tôi cũng giảm đáng kể. Thay vì ăn thịt lợn, họ dần chuyển sang ăn thịt gà, cá nhiều hơn.”
Giá thịt gà cũng tăng chóng mặt, khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. “Giá thịt lợn đắt nên tôi cắt giảm và thay vào bằng thịt gà, cá. Nhưng giá gà hiện nay cũng tăng quá. Tôi nhớ trước đây, giá gà công nghiệp chỉ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thế mà giờ bằng đấy tiền chỉ mua được một nửa. Giờ gà ta ngon cũng phải 140.000 - 160.000 đồng/kg”, chị Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho hay.
Không chỉ vậy các mặt hàng rau xanh, trứng, sữa, hàng khô cũng tăng theo. Giá rau ghi nhận tại chợ Láng Hạ: bắp cải 18.000 - 22.000 đồng/kg, rau cải ngọt 15.000 đồng/kg,... Mỗi chục trứng gà, vịt tăng giao động 5.000 - 10.000 đồng tùy thời điểm.
Bão giá đang âm thầm tấn công vào các gia đình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam tăng 2,44% trong sáu tháng năm 2022, so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.
Điều người dân mong muốn ngay lúc này là bình ổn giá cả thị trường. Anh Dương Văn Công (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ bình ổn giá cả thì chất lượng cuộc sống mới đi lên được. Thu chi tỉ lệ nghịch như bây giờ khó khăn với những người có thu nhập thấp, trung bình như tôi. Người dân chúng tôi rất mong chờ vào những điều chỉnh sắp tới của Nhà nước để cuộc sống được cải thiện hơn.”
“Khéo ăn no, khéo co ấm”
Giá cả nhu yếu phẩm “phi mã” làm cuộc sống không ít gia đình bị đảo lộn. Đây cũng chính là bài toán khó đối với các gia đình để cân bằng tài chính, chèo chống qua “bão giá”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Thực tế tác động của bão giá có mức ảnh hưởng nặng nề hơn những gì mà chỉ số CPI đã công bố. Và giải pháp tốt nhất của người dân lúc này là tiết kiệm chi phí tiêu dùng”.
Bác Nguyễn Vũ Lưu, cán bộ nghỉ hưu tâm sự: “Giá cả thực phẩm từ sau dịch Covid tới giờ tăng lên rất nhiều. Các chú về hưu, lương thì không tăng mà giá cả cứ leo thang không biết xoay sở thế nào. Năm trước lương tăng 7,8% mà giá thực phẩm phải tăng 30%- 40%, có những thứ còn tăng nhiều hơn.
Giá cả ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống hiện nay của người dân. Rau, cá, thịt, trứng, sữa đều tăng chóng mặt. Giờ mua gì cũng cần đong đếm, cân lên, đặt xuống. Cũng may cô chú cũng được các con chu cấp hàng tháng nên cuộc sống cũng bớt khó khăn phần nào.”
Và để giảm chi phí sinh hoạt, bớt gánh nặng cho con cháu, chú Lưu cũng chia sẻ cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý. “Mỗi tuần chú đi chợ 1 lần. Nếu như trước đây mua nhiều mặt hàng phong phú hơn như hoa quả, bánh trái,..thì bây giờ chú hạn chế lại. Chú chỉ mua những mặt hàng cần thiết như thực phẩm hàng ngày: thịt cá, gia vị dầu ăn, mắm muối. Tiết kiệm hết mức để còn chi phí cho thuốc mem, lúc ốm, lúc đau nữa.”
Cũng bị ảnh hưởng bởi bão giá, chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi) đã thay đổi thói quen hàng ngày để thích nghi với thời buổi giá cả leo thang. Chị cho biết: “Gia đình 4 người, 2 trẻ nhỏ, vợ chồng làm nhân viên văn phòng bình thường mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu. Trừ các khoản tiền cố định hàng tháng, số tiền xăng xe, sinh hoạt của cả gia đình hàng tháng không đổi. Tôi phải cân đối mọi thứ để mức sống của gia đình vẫn được đảm bảo.
Hiện tại giá cả mặt hàng nào cũng tăng mạnh. Tôi thường lên thực đơn hàng tuần và đi chợ 1 lần/ tuần. Thịt heo đắt thì tôi chuyển hướng sang ăn gà, cá. Những loại rau củ đắt gần gấp đôi so với trước đây như su hào, súp lơ,...tôi loại hẳn ra khỏi thực đơn và sử dụng những loại rau giá cả hợp lý. Đồng thời tôi cũng cắt giảm các bữa cải thiện như hải sản, tôm, cua,...”
Theo chị Hoa, để mức sống vẫn được đảm bảo, chị cũng cắt giảm chi phí ăn ngoài hàng, ít tụ tập cafe bạn bè, mua sắm,... “Giá cả leo thang nên vợ chồng tôi cũng tiết kiệm hơn hẳn nên hầu như bữa nào cũng ăn cơm ở nhà kể cả bữa trưa. Chính bữa trưa là bữa tốn khá nhiều chi phí. Bởi vì khi ăn ở cơ quan có đồng nghiệp nên hay ăn thêm cái nọ, cái kia rất tốn kém. Ví dụ như bữa trưa hôm qua tính ra chỉ mất 50.000 đồng cả hai vợ chồng: 35.000 đồng thịt gà và 15.000 đồng rau củ."
Do vậy, trước những tác động tiêu cực từ giá cả thị trường, người dân cần có những thích ứng linh hoạt với tình thế. Một kế hoạch chi tiêu cụ thể hàng tháng là điều không thể thiếu./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-dan-bop-bung-chi-tieu-trong-bao-gia-20220708094036419.htm