Người dân bức xúc trước việc hàng loạt cây xanh ở Pleiku bị đốn hạ
Hàng chục cây cổ thụ bị chặt hạ vào thời điểm nắng nóng cao điểm đã khiến người dân và du khách bức xúc, lo ngại về cách đối xử của chính quyền với cây xanh.
Những ngày gần đây, dư luận trên địa bàn TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) tỏ ra vô cùng bức xúc trước việc chính quyền chặt hạ hàng loạt cây xanh hàng chục năm tuổi trên đường Hoàng Văn Thụ. Điều này đã khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, bí bách, đặc biệt là vào thời điểm nắng nóng cao điểm như hiện nay.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1989, trú phường Trà Bá, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) gay gắt: Hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại TP Pleiku, tôi thấy chính quyền địa phương đang đối xử tệ với cây xanh. Cây trồng chưa kịp lớn thì người ta đã chặt, cây non chết yểu, cây cổ thụ thì lại bị chặt hạ không thương tiếc.
“Hễ cứ làm đường là dường như cây xanh sẽ chết. Mang tiếng là thành phố Cao nguyên xanh nhưng không có cây xanh cho ra hồn. Tôi cũng không hiểu sao họ lại chặt hạ cây xanh vào cao điểm mùa khô như vậy. Những năm gần đây, TP Pleiku trở nên nóng bức hơn trước có lẽ cũng từ nguyên nhân hàng loạt cây xanh bị khai tử”, anh Tuấn nói thêm.
Là một du khách đến từ tỉnh Bình Định, bà Nguyễn Thị Ny (SN 1968) cho hay: Tôi từ tỉnh miền Trung lên TP Pleiku để du lịch, thăm gia đình và cũng đồng thời tranh thủ tránh nóng. Tuy nhiên, lên đến nơi rồi tôi mới thấy ở đây cũng nắng nóng không thua kém gì so với miền Trung, nhiều cây xanh bị chặt hạ vào thời điểm này cũng là không hợp lý cho lắm.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku, các cây xanh vừa bị chặt hạ thuộc dự án mở rộng đường Hoàng Văn Thụ với tổng kinh phí đầu tư hơn 19,1 tỷ đồng. Tổng cộng có 39 cây cổ thụ ở bên đường; trong đó, có 28 cây Lim xẹt nằm trong phạm vi thi công (7 cây có đường kính gốc 15cm và 21 cây đường kính gốc >= 50cm), những cây này được trồng từ khoảng năm 1975. Việc chặt hạ cây đã được liên ngành thành phố đánh giá, thống nhất đây là phương án tối ưu để đảm bảo tiến độ dự án, giảm kinh phí di dời và công chăm sóc cây.
Trước đó, từ năm 2020-2022, trong quá trình thi công xây dựng, mở rộng các tuyến đường Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành, Quyết Tiến (TP Pleiku), đơn vị thi công cũng đã tiến hành di thực hàng trăm cây xanh đến trồng tại khu vực nghĩa trang xã Trà Đa. Tuy nhiên, hiện rất nhiều cây xanh được di thực đã không còn dấu hiệu của sự sống, nhiều cây có đường kính gốc 40-60cm đã bóc vỏ, mục rễ; khu vực trồng cây di thực cỏ mọc um tùm. Nhiều người dân sinh sống gần khu vực này cho rằng đây là “nghĩa địa cây” của TP Pleiku.
Không chỉ chính quyền địa phương mà người dân, kể cả cựu lãnh đạo cấp sở cũng vô tư chặt hạ cây xanh trên vỉa hè. Cụ thể, vào ngày 14/3, Đoàn kiểm tra phường Hoa Lư, TP Pleiku phát hiện ông Trần Xuân Hiệp (cựu Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai) tự ý cắt tỉa ngọn, nhánh và cành cây xanh có chiều cao khoảng 3m, đường kính 0,15m tại đường Nguyễn Lương Bằng, sát nhà ông Hiệp.
Đối với vụ việc này, UBND phường Hoa Lư đã lập biên bản và yêu cầu gia đình ông Hiệp ngừng việc cắt cây, có biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây xanh (hiện chỉ còn phần thân chính cao hơn 1m, cành nhánh đã bị chặt hạ). Đồng thời, báo cáo UBND TP Pleiku để có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Được biết, theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Pleiku đến năm 2045 đã xác định TP Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên… Mục tiêu xây dựng thương hiệu TP Pleiku - thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe.
Tuy nhiên, việc hàng loạt cây cổ thụ bị chặt hạ không thương tiếc đã khiến dư luận địa phương bức xúc, lo ngại ảnh hưởng môi trường sống. Đồng thời, mục tiêu xây dựng thương hiệu thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe sẽ rất khó khăn nếu chính quyền còn hành xử với cây xanh theo cách như hiện nay.