Người dân cần làm gì để 'miễn dịch' với biến thể Omicron?

Thông tin về cách lây truyền và khả năng gây bệnh của biến thể Omicron đến nay vẫn chưa có đủ dữ liệu, vậy người dân cần làm gì để giữ an toàn trước biến thể mới này?

Trong bối cảnh biến thể Omicron đã xuất hiện ở một số nước châu Á, ngày 14/12, UBND TP. HCM đã ban hành khẩn kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron.

Tiêm liều tăng cường, bổ sung vaccine Covid-19 là một trong các biện pháp để phòng chống biến thể mới Omicron.

Cụ thể, TP. HCM sẽ tăng cường kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.

Cùng đó, TP. HCM tăng cường giám sát bằng xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp nhập cảnh dương tính và người tái mắc Covid-19 nhằm sớm phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron…

Còn bản thân người dân, mặc dù hiệu quả của các loại vaccine Covid-19 hiện nay có chống lại được biến thể mới Omicron hay không vẫn chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên với những thông tin ban đầu cho thấy mặc dù có tốc độ tăng nhanh hơn biến thể Delta nhưng lại ít nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cũng thấp. Trên cơ sở đó, bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung (Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP. HCM) đã đưa ra những biện pháp ứng phó mà bản thân người dân cần làm để tự bảo vệ mình.

Theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung, để an toàn trước sự trước biến thể mới Omicron, người dân cần hết sức bình tĩnh nhưng không được chủ quan. Cùng với việc bồi dưỡng tinh thần và rèn luyện thể chất để tăng sức đề kháng, người dân phải thực hiện nghiêm 3 vấn đề quan trọng. Đó là tiêm vaccine đủ liều cơ bản và liều tăng cường, tự làm test nhanh kháng nguyên Covid-19 khi thấy nghi ngờ và thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.

Cụ thể, hiện tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân trước biến thể mới Omicron. Theo đó, người dân không chỉ tiêm đủ liều vaccine cơ bản, mà còn cần phải tiêm theo liều tăng cường. Đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế cần tiêm bổ sung và nhắc lại.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung cũng cho biết, trong điều kiện bình thường mới hiện nay thì người dân phải thường xuyên tự test nhanh kháng nguyên Covid-19 khi thấy nghi ngờ. Đây là công cụ tầm soát ban đầu hiệu quả nhằm giúp phát hiện sớm để xử lý kịp thời cũng như tránh lây lan ra cộng đồng.

Và một việc quan trọng nữa mà theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung không phải mới nhưng trước biến thể Omicron, mọi người cần phải thực hiện nghiêm hơn nữa để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đó là luôn giữ khoảng cách an toàn, nên tận dụng tối đa công nghệ vào các hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Giảm thiểu các hoạt động tương tác trực tiếp để hạn chế xuống mức thấp nhất cơ hội cho biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng.

Mặc dù vẫn còn khá mơ hồ về cách lây truyền và khả năng gây bệnh của biến thể Omicron. Tuy nhiên cũng là loại virus gây bệnh hô hấp nên khẩu trang, kính chắn giọt bắn phải luôn là vật bất ly thân để ngăn chặn. Đồng thời, tiếp tục giữ thói quen rửa tay thường xuyên, tuyệt đối không sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus.

Ngoài ra, súc rửa mũi và họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, tốt nhất nên súc mũi họng sau khi đến nơi đông người, các cơ sở y tế…

Đặc biệt, bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung lưu ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền càng cần phải cảnh giác với biến thể Omicron để giữ an toàn cho mình.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung khuyên nhóm người nguy cơ cao này phải giữ cho tinh thần luôn lạc quan, không căng thẳng, ngủ đủ giấc; ăn uống đầy đủ chất, dễ tiêu hóa và phải vận động tập thể dục mỗi ngày… nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, trước biến thể mới Omicron người yếu thế do lớn tuổi, có bệnh nền cần tập nín thở trong tình huống người lạ xuất hiện bất ngờ để tự bảo vệ mình.

Ngoài ra, để có thể “miễn dịch” với biến thể Omicron, bác sĩ Lê Thị Tuyết Nhung khuyên nhóm người nguy cơ cao nên tích cực điều trị và kiểm soát các bệnh nền đang có, nhất là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, bệnh thận…

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-can-lam-gi-de-mien-dich-voi-bien-the-omicron-post172184.html