Người dân cần nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lưu hành tiền giả

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, ngày 15/9/2022, Công an huyện Yên Thủy nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc phát hiện bà Quách Thị B. (SN 1956), trú tại xóm Tích, xã Yên Trị có hành vi sử dụng tiền giả (loại tiền mệnh giá 500 nghìn đồng) để thanh toán tiền điện.

Đối tượng Quách Thị B. cùng toàn bộ tang vật là 12 tờ tiền polymer giả mệnh giá 500 nghìn đồng bị lực lượng chức năng Công an huyện Yên Thủy bắt giữ.

Dùng tiền giả mua đồ thật

Thượng tá Nguyễn Hồ Bắc, Trưởng Công an huyện Yên Thủy cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, Ban lãnh đạo Công an huyện đã cử tổ công tác tiến hành xác minh, khám xét khẩn cấp nơi ở của bà Quách Thị B. Quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ tại chỗ ở của bà B. 11 tờ tiền polymer giả mệnh giá 500 nghìn đồng. Cùng ngày, sau khi biết hành vi tiêu thụ, tàng trữ tiền giả của bà Quách Thị B. bị phát giác, Bùi Văn Q. (SN 1992), trú tại xóm Đồng Mai, xã Yên Trị đã đến cơ quan Công an giao nộp 3 tờ tiền polymer giả có cùng mệnh giá 500 nghìn đồng. Hiện, vụ việc được lực lượng chức năng Công an huyện Yên Thủy tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn huyện Yên Thủy phát hiện, bắt giữ đối tượng tiêu thụ, tàng trữ tiền giả. Trước đó, Công an thị trấn Hàng Trạm phối hợp Công an huyện bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Th. (SN 1982), trú tại xóm Xí Nghiệp, xã Lạc Thịnh lưu hành tiền giả tại chợ thị trấn Hàng Trạm. Theo đó, do nhiều lần bị các đối tượng sử dụng tiền giả với mệnh giá lớn để thanh toán khi đến mua hoa quả tại cửa hàng, chị Mai Thị H. đã cảnh giác với chiêu thức trên. Do vậy, khi thấy Nguyễn Thị Th. đến hỏi mua 2 kg chôm chôm và trả bằng tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng, chị H. đã kiểm tra phát hiện là tiền giả. Chị H. đã thu giữ tờ tiền giả và tri hô những người xung quanh đến giúp sức. Được sự giúp sức của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an thị trấn đã bắt được Nguyễn Thị Th. khi đối tượng này có ý định phi tang 4 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng còn lưu giữ trong người.

Ngoài vụ việc nêu trên, từ tin báo, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, Công an huyện Yên Thủy còn phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng tiêu thụ tiền giả tại phố Dương, xã Ngọc Lương là Nguyễn Văn Linh (SN 1988), trú tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và Trần Hải Anh (SN 1986), trú tại Đình Trụ (Vĩnh Phúc), thu giữ của các đối tượng 5 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng.

Cảnh báo nhiều thủ đoạn, hoạt động tội phạm

Từ thực tế trên, Công an huyện Yên Thủy đã nhiều lần phát đi thông báo và khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm "làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Theo Thượng tá Nguyễn Hồ Bắc, trên địa bàn huyện đã từng phát hiện nhiều vụ việc tiền giả được đưa vào lưu hành thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn dùng tiền polymer mệnh giá cao (200 nghìn và 500 nghìn đồng) được sản xuất, làm giả một cách tinh vi, có những nét khá tương đồng về mặt hình thức với tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Để tiêu thụ được loại tiền giả này, các đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, cũng như sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người bán hàng như: tiêu thụ tiền giả vào lúc trời tối, ở các khu dân cư đông đúc, chợ tự phát; dùng tiền giả thanh toán dịch vụ ăn uống, giải trí như karaoke; lợi dụng người bán hàng là người già và trẻ em; lợi dụng lúc đông khách, người bán hàng bận rộn để thanh toán tiền mua hàng hóa; mua các loại hàng hóa có giá trị thấp như nước giải khát, bao thuốc lá, thẻ cào điện thoại, đổ xăng dầu... bằng các loại tiền giả có mệnh giá cao để được trả lại tiền thật; dùng tiền giả cho vay hoặc biếu người thân, ủng hộ các hoạt động thiện nguyện, sự kiện văn hóa - thể thao tại địa phương. Việc tiêu thụ trót lọt tiền giả không những gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Nhà nước mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân và dư luận xã hội...

Công an huyện Yên Thủy khuyến cáo người dân cần nêu cao hơn nữa ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn sử dụng, tiêu thụ, lưu hành tiền giả của các đối tượng phạm tội. Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng tiêu thụ tiền giả, mỗi người dân luôn tự kiểm tra tiền mặt đang có; thường xuyên kiểm tra tiền cẩn thận khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa, trao đổi tiền từ người khác để chủ động, kịp thời phát hiện tiền giả hoặc nghi là tiền giả. Chú ý các loại tiền mệnh giá lớn có đặc điểm khác lạ so với tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành như: Tờ tiền có cùng số seri, màu sắc nhạt hơn và mỏng hơn so với tiền thật; hoa văn trơn nhẵn, không có độ ma sát như tiền thật; không có hình bóng chìm hoặc hình bóng chìm mờ nhạt, không có nét in nổi; khi vò tiền không có tính đàn hồi mà bị gãy gập. "Khi phát hiện đối tượng nghi vấn tàng trữ, lưu hành, tiêu thụ tiền giả người dân cần nhanh chóng quay phim, chụp ảnh người và phương tiện khả nghi, báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời điều tra, xử lý theo quy định. Người dân tuyệt đối tránh tiếp tay cho tội phạm và tốt nhất tránh xa những mặt hàng quốc cấm nguy hiểm như tiền giả, bởi vì hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - Thượng tá Nguyễn Hồ Bắc nhấn mạnh.

* Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, mức phạt tù có thể từ 3 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Khi thực hiện hành vi vi phạm, cả người đặt mua và người rao bán tiền giả đều vi phạm pháp luật.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/170358/nguoi-dan-can-neu-cao-canh-giac-truoc-cac-thu-doan-luu-hanh-tien-gia.htm