Người dân cần tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sạt lở công trình đê điều
Song song với các giải pháp của các ngành chức năng trong việc phòng, chống sạt lở công trình đê điều thì cũng đòi hỏi người dân cần tích cực tham gia vào công tác này, đặc biệt là không xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình đê điều, góp phần ngăn ngừa nguy cơ sạt lở xảy ra.
TP Hà Nội có tổng số hơn 626 km đê được phân cấp, trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng thuộc các quận khu vực nội thành là đê cấp đặc biệt; gần 249,2km đê cấp I; 45km đê cấp II; gần 72,2km đê cấp III; 160km đê cấp IV.
Thời gian qua, tình hình sạt lở công trình đê điều trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến khó lường. Không chỉ xảy ra sạt lở vào mùa mưa, mà mùa khô cũng tiềm ẩn những sự cố về công trình đê điều.
Hai bên tuyến đê sông Hồng được ví như thành trì vững chắc để bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa bão. Trải qua năm tháng, được sự quan tâm đầu tư, tuyến đê này cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế.
Song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước sông thường xuyên có sự chênh lệch rất lớn giữa hai mùa (mùa lũ và mùa kiệt), cộng với những tác động của việc điều tiết hồ chứa phía thượng nguồn đã gây ra hiện tượng sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều phía hạ du diễn biến ngày càng phức tạp.
Từ K84+600 đến K86+389 đê hữu Hồng dài khoảng 1.789m thuộc địa bàn xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho thấy, mức độ sạt lở là đáng lo ngại. Toàn bộ mái bờ sông là mái đất chưa được đầu tư gia cố kè để bảo vệ đang xảy ra sạt lở do dòng chủ lưu sông áp sát mái bờ sông.
Trên toàn tuyến xuất hiện nhiều cung sạt lở ăn sâu vào bờ, tạo hàm ếch, tạo thành vách dốc đứng. Đặc biệt, đoạn qua khu vực dân cư, hiện nay, mái bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cung sạt áp sát, sụt lún, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông ở khu vực này. Hiện nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cung sạt vẫn có xu hướng phát triển, nhất là sau những đợt mưa lớn, sạt lở xảy ra và phát triển nhanh chóng.
Tuyến đê sông Hồng đoạn từ đền Rừng (phường Ngọc Thụy) đến chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề) thuộc quận Long Biên do mái bờ sông dốc, mặt khác đây là khúc sông cong nên về mùa mưa lũ, khi mực nước sông Hồng dân cao cùng với dòng chảy siết áp sát mái sông đã xảy ra sạt lở, uy hiếp đến sự an toàn của người dân sinh sống ven bờ sông.
Trên tuyến đê hữu Cầu từ K25+350 đến K26+000 ở xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, tốc độ xói lở rất lớn. Các cung sạt hiện đã áp sát mái bờ sông, chiều sâu cung sạt 2-3,5m khiến mái bờ sông dốc đứng. Các cung sạt hiện tại đã gây sạt lở trong phạm vi toàn tuyến, mái bờ sông bị lở sâu 1-3m.
Hiện nay, sạt lở vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, các cung sạt có xu hướng phát triển mạnh. Đặc biệt là sau những đợt mưa lớn xảy ra trong năm 2020 khiến mực nước sông Cầu lên nhanh và rút nhanh khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng phát triển mạnh.
Tại các tuyến kè sông Đuống, tuyến sông này dài 68km, điểm đầu từ ngã ba Dâu, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, còn điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Do sự thay đổi tỷ lệ phân phối dòng chảy từ sông Hồng sang sông Đuống những năm gần đây liên tục tăng đã ảnh hưởng đến công trình đê điều, gây sạt lở bờ bãi sông. Vào mùa mưa bão mực nước sông lên cao và khi rút xuống đột ngột thường gây ra hiện tượng sạt lở ở một số vị trí và gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân trong vùng bị sạt lở, thời gian qua, đã có rất nhiều giải pháp được TP Hà Nội triển khai để xử lý tình trạng sạt lở công trình đê điều, từ việc di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn đến việc triển khai các biện pháp phi công trình và công trình và đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, từ thực trạng công trình đê điều hiện nay và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến ngày càng cực đoan, đang đặt ra vấn đề cấp bách trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở của Hà Nội.
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, trong đó có việc cắm biển cảnh báo sạt lở, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP các khu vực, vị trí bị sạt lở nguy hiểm để công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông theo quy định.
Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND TP quan tâm đầu tư một số công trình đê điều trọng điểm, đặc biệt là các khu vực sạt lở trên sông Đuống, sông Hồng, sông Cầu do ảnh hưởng của chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp đã tác động khiến thường xuyên xảy ra sự cố, hư hỏng…
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1454/VP-KT ngày 25-2-2021, đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tiến hành kiểm tra cụ thể, đánh giá hiện trạng, diễn biến hư hỏng, xác định sự cần thiết, quy mô, tham mưu UBND TP quyết định đầu tư các khu vực, công trình đê điều bị sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm.