Người dân cẩn trọng với thực phẩm không rõ nguồn gốc dịp Tết Nguyên đán
Dịp Tết Nguyên đán 2025, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng cao so với ngày bình thường như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... hay bị làm giả, làm nhái ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Những ngày này, thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Nghệ An bắt đầu sôi động phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây cũng là thời điểm để thực phẩm kém chất lượng dễ dàng xâm nhập vào thị trường. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, người dân cần lựa chọn thực phẩm an toàn.
Dịp Tết Nguyên đán 2025, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng cao so với ngày bình thường như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... hay bị làm giả, làm nhái ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đây cũng là thời điểm bánh mứt kẹo “3 không” (không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng) có mặt trên thị trường.
Khảo sát tại một số cửa hàng bánh kẹo tại các chợ Vinh, Ga Vinh, Hưng Dũng, Quang Trung… trên địa bàn thành phố Vinh, nhiều loại bánh kẹo đủ màu sắc sặc sỡ bày bán trong các túi nylon hay các khay, giỏ nhựa không thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Với bánh kẹo có in chữ nước ngoài, dù các cửa hàng khẳng định hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng hầu như trên các sản phẩm không có tem, nhãn phụ tiếng Việt. Mỗi cửa hàng lại giới thiệu nguồn gốc một kiểu dù cùng mẫu mã.
Hầu hết các loại bánh kẹo này đều được bán theo dạng cân. Mỗi cân có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn tùy loại. Ngoài ra, các loại khô gà, khô bò, tôm khô... cũng được bày bán nhiều. Thậm chí, một số tiểu thương quảng cáo các sản phẩm bánh mứt ngày Tết “tự tay nhà làm”.
Không chỉ ở các chợ, thị trường thực phẩm phục vụ ngày Tết trên mạng xã hội những ngày gần đây cũng sôi động với nhiều mặt hàng hấp dẫn và phần lớn được giới thiệu làm bằng phương pháp thủ công, tại nhà. Qua các kênh này, việc mua bán nhộn nhịp, lượng tương tác nhiều.
Điểm chung của các sản phẩm này đều được giới thiệu hàng thủ công “nhà làm” hoặc lấy mối quen uy tín, nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không đăng ký chất lượng sản phẩm, không địa chỉ liên hệ, không hạn sử dụng… nhưng vẫn được chào bán trên mạng.
Bên cạnh đó, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tại các chợ trên địa bàn. Do chưa được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nên các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: gà, cá, tôm, tép được bày bán chế biến ngay nền chợ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết thêm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguồn thực phẩm đổ về Nghệ An khá nhiều. Trong đó, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: nội tạng động vật, trứng, bánh kẹo…
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Đồng thời, vận động người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm… Các đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, chợ, các cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia… trên địa bàn.
Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo, để thực hiện hiệu quả việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội mùa Xuân, người dân nên chủ động phòng ngừa cho mình và người thân bằng cách từ bỏ thói quen sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ở các cơ sở không bảo đảm an toàn. Ngày Tết, người dân không nên mua thực phẩm quá nhiều để lưu trữ lâu; bảo quản thực phẩm phải đúng cách; thực phẩm đưa từ tủ lạnh ra chế biến phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn. Qua đó, tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.