Người dân chủ động, phối hợp để phòng tránh bệnh ho gà lây lan
Ho gà là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh khi không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Tại Bình Phước, mới đây đã ghi nhận một số trường hợp dương tính với bệnh ho gà. Phóng viên BPO đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước về nội dung này.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc Sở Y tế trao đổi với phóng viên BPTV - Ảnh: Trương Hiện
PV: Tỉnh Bình Phước vừa ghi nhận một số trường hợp dương tính với bệnh ho gà. Bác sĩ có thể thông tin rõ hơn về nội dung này?
Bác sĩ Đỗ Thị Nguyên: Một số trường hợp được phát hiện dương tính với bệnh ho gà tại huyện Bù Đăng thông qua khám sàng lọc, do các cháu có triệu chứng bên ngoài. Từ đầu năm đến ngày 27-3, toàn tỉnh đã ghi nhận 16 ca ho gà, trong đó 14 ca tại huyện Bù Đăng (tử vong 1 ca vào đầu năm 2025) và 2 ca tại huyện Bù Gia Mập. Các ca ho gà đều ghi nhận mắc ở lứa tuổi trẻ em.
* Trước thực tế bệnh ho gà đang có những diễn biến đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh, vậy giải pháp của ngành y tế Bình Phước là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đỗ Thị Nguyên: Ngay khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ho gà; kịp thời phát hiện sớm ca bệnh và ca nghi ngờ để cách ly, điều trị và khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, ngăn không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Các ban, ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống bệnh, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh ho gà và các biện pháp phòng, chống, nhất là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Rà soát, lập danh sách đối tượng trong độ tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin có thành phần ho gà để triển khai tiêm bù, tiêm vét, tránh bỏ sót đối tượng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng chiến dịch tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo kế hoạch.
Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư trang thiết bị, hóa chất; bố trí đầy đủ khu vực cách ly, theo dõi, giường bệnh, chuẩn bị nhân lực phù hợp để sẵn sàng thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà.
* Khuyến cáo của ngành y tế để nhân dân hiểu rõ hơn về phòng bệnh ho gà là gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đỗ Thị Nguyên: Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngành y tế đề nghị người dân phối hợp với ngành y tế trong phòng, chống bệnh trên địa bàn, không chủ quan, lơ là, nhưng không hoang mang vì bệnh đã có vắc xin phòng ngừa và có thuốc dự phòng, điều trị.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!