Người dân chủ động phòng, chống Covid-19 trong dịp tết 'Pây Tai'Tin khácCách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho con đường Hồ Chí Minh lựa chọnKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

Nếu người Kinh thường gọi rằm tháng Bảy âm lịch là ngày lễ Vu Lan báo hiếu thì với người Tày – Nùng, ngày rằm tháng Bảy còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết 'Pây Tai', cũng là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái với cha mẹ. Năm 2021, Tết Pây Tai diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó, nhiều người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo tục tệ của người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh, vào ngày rằm tháng Bảy hằng năm, những người con gái đi làm dâu thường cùng chồng, con mang bánh gai, bánh rợm và gà vịt, hoa quả về thăm gia đình bố mẹ đẻ để tỏ lòng hiếu kính. Ở nhà ngoại, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau làm cơm cúng rằm và tụ họp ăn uống, kể những câu chuyện vui. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay, nhiều gia đình sẽ không thể tụ họp vào ngày rằm tháng Bảy để đảm bảo công tác an toàn chống dịch.

Gia đình anh Thi Tuấn Hoàng, thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cũng không ngoại lệ. Anh Hoàng cho biết: Vợ chồng tôi kết hôn đã 7 năm. Tết Pây Tai năm nào, gia đình tôi cũng về nhà ngoại ở huyện Tràng Định. Năm nay, dịch COVID-19, tiếp tục diễn biến phức tạp, vào đầu tháng 8, thôn tôi cũng có 1 trường hợp F0, một số hộ dân trong thôn phải thực hiện cách ly y tế. Để phòng chống dịch, dịp Tết Pây Tai năm nay, gia đình tôi sẽ không ra khỏi địa phương theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Thay vào đó, chúng tôi sẽ hỏi thăm nhà ngoại qua điện thoại. Khi dịch bệnh được khống chế, chúng tôi sẽ về sau”.

Tương tự, ông Lô Văn Dèn, trú tại thôn Pác Luồng, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: “Gia đình tôi có 2 con gái đi lấy chồng tại thành phố Lạng Sơn. Hằng năm, các con đều về thăm chúng tôi vào dịp rằm tháng Bảy. Năm nay, do dịch COVID-19 nên tôi chủ động nhắn với các con là không về thăm gia đình trong những ngày này. Vào ngày rằm, tôi sẽ mua hoa quả cúng gia tiên chứ không tổ chức ăn uống đông người như mọi năm. Chờ hết dịch, cả gia đình sẽ tổ chức họp mặt, ăn uống sau”.

Cùng với sự chủ động từ phía người dân, trong những ngày này, chính quyền một số nơi trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống dịch. Ông Trần Danh Sĩ, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thị trấn hiện nay vô cùng phức tạp. Từ 19 giờ ngày 12/8, thị trấn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tính đến trưa 18/8, trên địa bàn có 7 trường hợp mắc COVID-19. Mấy ngày nữa là đến rằm tháng Bảy, để các gia đình không tụ tập ăn rằm đông người như mọi năm, chính quyền thị trấn đã yêu cầu tất cả các hộ dân dừng mọi hoạt động tập trung đông người, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. UBND thị trấn đã huy động tối đa lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch từ 5 giờ đến 19 giờ hằng ngày, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Người dân thành phố Lạng Sơn gói bánh gai chuẩn bị cho dịp Tết Pây Tai

Người dân thành phố Lạng Sơn gói bánh gai chuẩn bị cho dịp Tết Pây Tai

Cùng với thị trấn Na Sầm, tại một số địa bàn thuộc các huyện như: Văn Lãng, Tràng Định… cũng chủ động tuyên truyền đến người dân qua xe lưu động, hệ thống loa truyền thanh về việc chấp hành các quy định như: hạn chế di chuyển ra ngoài địa phương; trong dịp Tết Pây Tai không nên tụ tập đông người; đảm bảo thực hiện các biện pháp 5K… Bên cạnh đó, chính quyền đã cắt cử lực lượng rà soát trên địa bàn, đảm bảo không có các hoạt động đông người cũng như việc vi phạm các quy định trong phòng chống dịch.

Theo đánh giá từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tình hình dịch COVID-19 hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tại một số địa phương, đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và chưa tìm được nguồn lây. Do đó, nếu người dân không nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch trong dịp Tết Pây Tai năm nay thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất lớn. Đặc biệt, năm nay, Tết Pây Tai vào đúng dịp cuối tuần, có khả năng lượng người di chuyển vào ngày này sẽ rất lớn. Do vậy, nếu không có các biện pháp kịp thời để kiểm soát chặt người ra vào tại các địa phương về phòng, chống dịch, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: Để đảm bảo an toàn trong ngày rằm tháng Bảy, đơn vị khuyến cáo người dân không nên rời khỏi địa phương khi không có việc cấp thiết nhất là đối với người dân ở các vùng có dịch. Cùng đó, người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Để đảm bảo dịp Tết Pây Tai diễn ra an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị, bên cạnh khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong những ngày này, chính quyền các huyện, thành phố và chính quyền cơ sở cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát chặt đối với các cá nhân ra, vào địa bàn để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh…

GIA KHÁNH

LƯƠNG THỊ TUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/442842-nguoi-dan-chu-dong-phong-chong-covid-19-trong-dip-tet-pay-tai.html