Người dân chủ quan trong phòng dịch Covid-19

'Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện', ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội ngày 8-10.

Có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới

Chiều 8-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo đã họp trực tuyến với các quận, huyện.

Báo cáo tại phiên họp, PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, từ ngày 17-8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, còn ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về, trong tuần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Lũy tích đợt 3 từ ngày 25-7 đến nay, có 44 ca mắc và chưa có ca tử vong. Trong đó, có 11 ca ngoài cộng đồng và 33 ca nhập cảnh.

Đến nay, tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tiếp tục xét nghiệm PCR cho các trường hợp nhập cảnh, trường hợp nghi ngờ, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Kết quả, từ ngày 1 đến 8-10, đã xét nghiệm cho 1.639 trường hợp, 1 dương tính (BN 1097) còn lại đều âm tính.

Ông Hoàng Đức Hạnh nêu, theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Trong thời gian vừa qua, đã mở lại một số chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam ở một số quốc gia về nước và đưa các chuyên gia đến Việt Nam làm việc. “Cùng với tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị và thời tiết mùa đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh là virus phát triển. Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ lan rộng”.

Mỗi 1 ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người về Hà Nội. Đây là những nguy cơ dịch bệnh lây lan và cách ly những người nhập cảnh là nhiệm vụ hàng đầu, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Khắc Hiền nêu rõ: Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Xem xét bổ sung khách sạn giá bình dân phục vụ cách ly

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu quận Hoàn Kiếm tiếp tục hạn chế các sự kiện đông người, trừ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng. Mọi người đến khu công cộng như ở hồ Gươm phải đeo khẩu trang, xem xét đặt các điểm bán khẩu trang, tổ chức lực lượng nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang.

Về việc thu phí cách ly đối với công dân về nước tại sân bay Nội Bài trên chuyến bay thương mại thử nghiệm, Phó Chủ tịch UBND Ngô Văn Quý cho rằng, trong số 89 công dân này có trẻ em, học sinh, lao động mất việc làm do dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi giá khách sạn cách ly ở Hà Nội thấp nhất là 2,6 triệu/ngày (chưa kể tiền xét nghiệm). Người dân được giải cứu mà vào cách ly ở khách sạn giá như vậy trong 14 ngày là khó khăn. Khi đưa về cách ly ở khu quân đội, người dân đều làm đơn xin ở lại khu cách ly quân đội vì được chăm sóc tốt, lại chỉ mất 1,6 triệu cho cả 14 ngày.

“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý hơn để phục vụ người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Việt Nam và Hà Nội vẫn cao bởi mầm bệnh vẫn có thể còn trong cộng đồng; người nhập cảnh trái phép; hàng hóa nhập cảnh… Chỉ đến khi có vắc-xin cung cấp đủ cho người dân mới hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần xác định rõ sống chung với dịch.

Vì thế, các quận huyện cần tiếp tục ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ lây lan dịch bệnh: Tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tăng cường kiểm tra tại trường học, nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị, bar, karaoke…

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy trình về việc đón, tiếp, xét nghiệm, cách ly với người nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các đơn vị cần tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng bộ TP, Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Liên quan đến trường hợp một công dân ở huyện Quốc Oai có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19 khi nhập cảnh ở Nhật Bản, kết quả xét nghiệm PCR sau đó cho kết quả âm tính; huyện đã rà soát, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần... Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã yêu cầu Sở Y tế cần báo cáo với Bộ Y tế xem xét lại các quy trình xét nghiệm với các trường hợp xuất cảnh.

“Khi nhận được thông tin người xuất cảnh dương tính với Covid-19, địa phương phải tiến hành rà soát tiến hành xét nghiệm rất vất vả. Vì vậy cần phải nghiên cứu các trường hợp đi nước ngoài các yếu tố liên quan đến dịch bệnh có hay không; cần biện pháp như thế nào phòng ngừa thế nào… Bởi vì mỗi trường hợp như vậy kéo theo rất nhiều F1 phải đi cách ly tập trung gây lãng phí kinh phí đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nói.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-chu-quan-trong-phong-dich-covid-19-212964.html