Người dân chưa quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Hiện nay, mũ bảo hiểm (MBH) lưỡi trai đang bán tràn lan trên các vỉa hè, cửa hàng tạp hóa, thậm chí ở các cửa hàng có uy tín trên địa bàn tỉnh. Mặc dù loại mũ này không đảm bảo được an toàn cho người đội khi tham gia giao thông song nó vẫn được đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ sử dụng.

Một nam thanh niên đã mua chiếc mũ bảo hiểm lưỡi trai cầm trên tay với giá 50.000 đồng ở khu vực gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Một nam thanh niên đã mua chiếc mũ bảo hiểm lưỡi trai cầm trên tay với giá 50.000 đồng ở khu vực gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Khảo sát của phóng viên tại một số quầy vỉa hè và tạp hóa ở khu vực Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, dọc đường Cách mạng tháng Tám, gần đường tròn Tân Long (T.P Thái Nguyên), mẫu mã của loại MBH lưỡi trai vô cùng đa dạng, màu sắc phong phú, bắt mắt, thiết kế đơn giản. Giá của mỗi chiếc chỉ dao động từ 40.000 đến 80.000 đồng. Em N.T.H., học sinh trường THPT Lương Ngọc Quyến khi được hỏi vì sao sử dụng MBH lưỡi trai đã trả lời: Nó thoải mái và thời trang, không gây khó chịu như các MBH khác. Chia sẻ của em N.T.H. cũng là nhận thức chung của nhiều người, nhất là thanh thiếu niên, vì thế, mặc dù biết chất lượng kém, khó bảo vệ sự an toàn song họ vẫn dùng.

Tại Hội thảo đánh giá về chất lượng MBH trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn” do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Quỹ Phòng, chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua tại Thái Nguyên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất: Tôi đề nghị phải bỏ ngay chữ "MBH lưỡi trai” trong hồ sơ kiểm định. Không có thuật ngữ nào là "MBH lưỡi trai" cả.

Còn theo nghiên cứu mới đây về chất lượng, thực trạng sử dụng MBH và những yếu tố liên quan đến chất lượng MBH thực tế tại Thái Nguyên và T.P Hồ Chí Minh của Trường Đại học Y tế Công cộng thì tỷ lệ đội MBH lưỡi trai ở Thái Nguyên khi khảo sát cao gấp 3 lần so với T.P Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 10,5% số mũ được khảo sát đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập.

Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh thông tin: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở nhập hàng, kinh doanh MBH với trên 100 loại. Ngoài các cửa hàng đăng ký kinh doanh thì còn có nhiều quầy vỉa hè bán MBH giá rẻ. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã xử lý nhiều cơ sở kinh doanh MBH không đạt chuẩn nhưng chỉ xử phạt ở mức vài trăm nghìn đồng nên nhiều cơ sở sẵn sàng chịu phạt và tiếp tục kinh doanh loại mũ này. Bởi thế để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên đến các cơ sở kinh doanh uy tín, căn cứ vào tem dán CR và giấy chứng nhận hợp quy được nhà sản xuất cấp cho các đại lý chính hãng để mua.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm minh các sai phạm trong việc buôn bán MBH không đạt chuẩn, điều cơ bản nhất là người dân cần nâng cao nhận thức sử dụng MBH chất lượng.

Linh Lan

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-thong/nguoi-dan-chua-quan-tam-den-viec-doi-mu-bao-hiem-dat-chuan-278405-103.html