Người dân có vai trò chủ thể và thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là chương trình có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Với quan điểm đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai nhiều công trình, phần việc phấn đấu duy trì, nâng chất xây dựng NTM, tiến đến xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong đó, người dân là chủ thể thực hiện, đồng thời là chủ thể thụ hưởng các thành quả, lợi ích từ chương trình mang lại.

Xã Định Yên, huyện Lấp Vò đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Định Yên, huyện Lấp Vò đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu

Sở NN&PTNT phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo phương châm “3 biết”. Cụ thể, “Biết để tự lực, tự chủ” là người dân biết vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM để tự lực thực hiện. Đối với các phần việc liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của người dân sẽ do người dân tự thảo luận, chọn lựa vấn đề như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông để tập trung hợp tác thực hiện hoặc đề xuất Nhà nước hỗ trợ thực hiện. “Biết để hợp tác” là người dân được thông tin các công việc do Nhà nước thực hiện, được trao quyền góp ý, giám sát và đánh giá kết quả. Đối với những việc thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân biết công việc thuộc trách nhiệm như: hiến đất, di dời vật kiến trúc, đóng góp ngày công cùng thực hiện xây dựng NTM.

Cùng với đó, “Biết để vận dụng, thực hiện” là người dân được tư vấn, được thông tin cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thực hiện xây dựng NTM. Qua đó, phát huy hiệu quả nội lực cộng đồng xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Sở NN&PTNT, tính đến đầu tháng 7/2024, toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), có 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 33%), có 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự), 3 huyện đạt chuẩn NTM (Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành). Dấu ấn rõ nét của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Đất Sen hồng là cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu dân sinh, phát triển sản xuất. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, theo đó tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,51% vào cuối năm 2023, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt trên 94%, người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm trên 93%...

Liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT hỗ trợ kinh phí cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia tuyên truyền xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình mang tính cộng đồng hoạt động hiệu quả như: hộ gia đình “Chung sức xây dựng NTM”, “Khu dân cư tự quản”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động về vai trò của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Từ việc lấy ý kiến đã kịp thời khắc phục, chấn chỉnh các nội dung người dân chưa hài lòng sau khảo sát lấy ý kiến các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và tập trung hỗ trợ huyện dự kiến đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao trong thời gian tới.

Theo Sở NN&PTNT, mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân khu vực nông thôn. Đồng thời quyết tâm thực hiện thành công Đề án xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến năm 2030. Tiếp tục phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, vận động những cách làm hay, mô hình mới, góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm tạo ra giá trị mới trong sản xuất nông nghiệp.

TIẾN ĐẠT

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nguoi-dan-co-vai-tro-chu-the-va-thu-huong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-125086.aspx