Người dân, doanh nghiệp không dùng dịch vụ công, Chính phủ điện tử sẽ không thành công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành Chính phủ điện tử.
Sáng 12-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Khắc phục tình trạng "mạnh ai, nấy làm"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, thế giới cũng như nước ta đang tích cức triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh do chủngcorona. Theo Thủ tướng, có chuyên gia nhận định: “Làm tốt Chính phủ điện tử cũng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh do chủng mới virus Corona" và thực tế nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch.
Năm 2019, Nghị quyết 17 của Chính phủ về xây dựng chính phủ đã được ban hành. Các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, nhà nước hay tư nhân đều chung tay tham gia xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy theo Thủ tướng, cần phải tổng kết, đánh giá năm vừa qua xem có những cách làm tốt để nhân rộng; bổ sung việc phải làm một cách thực chất; tìm ra những cản trở, khó khăn để tháo gỡ, làm sao để toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân phải vào cuộc.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần đưa ra nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả lộ trình trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam trong năm 2020 nhiều biến cố thách thức. “Chúng ta đang phát triển tốt nhưng vẫn cần khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý, Chính phủ điện tử sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân, doanh nghiệp không dùng các dịch vụ công thì Chính phủ điện tử không thành công.
Gửi nhận văn bản điện tử tiết kiệm 1.200 tỷ đồng
Theo cáo cáo của Bộ TT&TT, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử thì vẫn còn một số vấn đề như việc xây dựng chồng chéo, các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông… Đây là những lực cản trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang hướng đến Chính phủ không giấy tờ nên đã triển khai trục liên thông văn bản quốc gia. Việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử đã góp phần giảm đáng kể thời gian gửi, nhận và giảm các chi phí được 1.200 tỷ đồng...
Xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử
Kết luận hội nghị, đề cập về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có lộ trình cụ thể để tiếp tục xây dựng chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử. Các cơ quan cần tập trung hoàn thiện thể chế bởi đây là khâu quan trọng, luôn phải đi trước để hình thành Chính phủ điện tử.
“Các bộ ngành, địa phương cần lưu ý công tác chống tham nhũng trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở rõ vai trò người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ ngành thì phải do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, tuyệt đối không để một việc có 2 cơ quan điều phối sẽ gây ra sự chồng chéo, lãnh phí, không hiệu quả.
“Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm biên chế, tiết kiệm chi phí”, Thủ tướng Chính phủ nói.