Người dân, doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed?
Động thái tăng lãi suất ngày 16/3 của Fed được cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Trụ sở Fed tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau nhiều tháng rung chuông đánh tiếng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 16/3 đã quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018 với hy vọng kiềm chế lạm phát đang leo thang kỷ lục ở Mỹ.
Giá cả tăng nhanh hơn so với dự đoán, khiến người Mỹ phải móc hầu bao nhiều hơn cho chi phí nhà ở, thực phẩm, khí đốt và các chi phí hàng ngày khác. Mặc dù nhiều người lao động Mỹ đã được tăng lương đáng kể, nhưng lạm phát đang vét sạch gần như tất cả những khoản tăng đó.
Động thái tăng lãi suất của Fed là một nỗ lực nhằm hạ nhiệt tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao, bằng cách siết chặt vay tiền và tăng chi phí vay. Lãi suất mà Fed vừa điều chỉnh tăng được gọi là lãi suất liên bang, lãi suất liên ngân hàng. Mức lãi suất này trước đó đã được Fed neo về bằng 0 kể từ đầu đại dịch Covid-19 - thời điểm nền kinh tế Mỹ suy thoái.
Giới phân tích cho rằng, biên độ tăng lãi suất 0,25% tuy nhỏ nhưng lại có tác động phân tầng dòng chảy đến trái phiếu kho bạc Mỹ, khoản vay thế chấp và các loại cho vay khác.
Ông Rodney Ramcharan, giáo sư kinh tế tại Đại học Nam California và là cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Hội đồng thống đốc Fed nhận định: "Lãi suất liên bang là lãi suất duy nhất mà Fed có thể kiểm soát, nhưng nó có tác động lan rộng hơn nhiều". Chuyên gia này nhận định, các ngân hàng sẽ sang tay mức tăng lãi suất đó cho khách hàng, do đó chi phí vay dài hạn như vay thế chấp hoặc vay mua ô tô của người Mỹ sẽ tăng lên.
Nhiều ý kiến chỉ trích Fed đã chậm chân trong cuộc chiến chống lạm phát. Bởi lẽ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 của Mỹ đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua, theo Bộ Lao động Mỹ. Lạm phát Mỹ trong tháng 2 đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1982 do nền kinh tế này đối mặt với mối đe dọa kép là lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế thấp đi.
Người tiêu dùng Mỹ đã phải tốn kém hơn nhiều khi các mặt hàng giày dép, đèn điện, mì ống và sữa đồng loạt tăng giá. Nền kinh tế này đã phục hồi mạnh mẽ trong hơn 1 năm qua sau chấn thương vì đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã xuống mức 3,8% và đang tiệm cận mức thấp nhất trước khi đại dịch xuất hiện. Tình hình này đã dọn đường cho Fed đưa chính sách trở lại quỹ đạo.
Đầu tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng: "Thật thích hợp để chúng tôi tăng lãi suất". "Lạm phát đã quá cao. Ủy ban (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed) cam kết sử dụng các công cụ của mình để đưa tình hình ổn định trở lại", Chủ tịch Fed khẳng định.
Lãi vay thế chấp tăng vọt, nhu cầu bị kéo giảm
Khi chi phí vay tăng lên, các ngân hàng sẽ sớm đẩy mức tăng này sang tay khách hàng vay tiêu dùng có khoản vay thế chấp lớn. Do đó, thị trường nhà ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Nhà ở thường là "nhiệt kế" đo mức độ nhạy cảm của người tiêu dùng với nền kinh tế. Lãi suất vay thế chấp tại Mỹ đã tăng vọt trong những tuần gần đây do những đồn đoán Fed sẽ mạnh tay siết chặt chính sách. Các nhà kinh tế cho rằng lãi suất vay thế chấp sẽ tiếp tục tăng sau động thái của Fed trong tuần này và những đợt tăng lãi suất sắp tới.
Ông Jeffrey Bergstrand, giáo sư kinh tế tài chính tại Đại học Notre Dame và cựu chuyên gia kinh tế của chi nhánh Fed tại Boston đánh giá: "Mặc dù hầu như động thái tăng lãi suất lần này đã được đoán trước, nhưng khi lãi suất ngắn hạn tăng lên, lãi suất thế chấp sẽ tăng và giá vốn tăng lên - và điều đó sẽ xảy ra ngay lập tức".
"Một số hộ gia đình sẽ không đủ khả năng thanh toán các khoản trả góp hàng tháng tăng cao cho một ngôi nhà mới hoặc một chiếc ô tô mới. Điều đó sẽ kéo giảm nhu cầu đối với các sản phẩm đó và kéo hãm nền kinh tế", ông Jeffrey Bergstrand lưu ý.
Giá thuê nhà tăng hơn 30%, hàng triệu người phải tìm nơi chốn khác
Theo ông Paul Skeens từ Tập đoàn dịch vụ tài chính Colonial Mortgage Group, tình trạng khẩn cấp của những khách thuê nhà Mỹ đã trở nên nghiêm trọng hơn trong vài tháng qua khi Fed có kế hoạch tăng lãi suất. Công ty tài chính tư nhân Freddie Mac cho biết, lãi suất trung bình vay thế chấp cố định trong 30 năm đã tăng từ 3,05% trong một năm trước lên 3,85%, mức cao nhất trong thời dịch. Ông Paul Skeens cũng dự đoán mức lãi suất này sẽ tăng lên 5,5% vào cuối năm nay sau khi Fed tiến hành thêm các đợt tăng lãi suất khác.
Đối với một số hộ gia đình Mỹ, những người đã bị loại khỏi thị trường nhà ở do cạnh tranh gay gắt, cơ hội mua nhà càng bị thu hẹp. "Mọi thứ hiện đang quá nóng - chúng tôi thấy có 15 đến 20 yêu cầu mua cho mỗi ngôi nhà - đến nỗi Fed đã phải tạt nước vào lửa", ông Paul Skeens dẫn chứng, đồng thời dự đoán "vào mùa thu, thị trường sẽ chuyển biến rất khác".
Doanh nghiệp đắn đo mở rộng kinh doanh và đầu tư mới
Không chỉ người tiêu dùng gánh phí vay cao hơn, mà các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phải đối mặt với lãi suất tăng cao. Nhiều khả năng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phải cân nhắc kỹ những khoản vay mới để đầu tư hoặc mở rộng hoạt động.
"Một khi lãi suất tăng, một số doanh nghiệp sẽ bắt đầu cân nhắc liệu có đáng không? Có lẽ việc đi vay sẽ không còn hợp lý nữa", bà Claudia Sahm, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu khoa học xã hội Jain Family Institute đánh giá. "Điều đó sẽ thanh lọc thị trường lao động, bởi vì khi các doanh nghiệp không đầu tư vào các cửa hàng hoặc nhà máy mới, họ sẽ không cần nhiều nhân công", bà Claudia Sahm nói.
Việc tuyển dụng suy giảm sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý đối với thị trường lao động Mỹ - thị trường đã chứng kiến số việc làm mới tăng kỷ lục 7 triệu trong năm qua. Nguồn tài chính sẵn có nhờ các khoản trợ cấp, cộng với nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ đã khuyến khích các công ty tăng cường tuyển dụng. Nhưng khi chi phí đi vay tăng lên, doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ nghĩ lại kế hoạch đầu tư kinh doanh.