Người dân được gì khi giám sát cán bộ, đảng viên?
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để phát huy vai trò của người dân trong giám sát cán bộ, đảng viên. Trong đó, các đại biểu thống nhất cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được họ có quyền và lợi ích như thế nào khi giám sát cán bộ, đảng viên.
Ngày 16-11, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên".
Lúng túng trong xác định đối tượng giám sát
Tham luận tại hội thảo, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh về sự cần thiết của hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với TPHCM, địa phương đang triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Qua theo dõi, đồng chí nhìn nhận, hệ thống Mặt trận đã chủ động giám sát ở các cấp thông qua giám sát chuyên đề; phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị nhân dân định kỳ hàng tháng, hàng quý. Các cuộc giám sát đi vào cụ thể các nội dung, phương pháp giám sát ngày càng được đổi mới, nhiều cuộc có mời chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hưu trí, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.
Dù vậy, chủ yếu hoạt động giám sát còn tập trung vào chính quyền. Các cuộc giám sát liên quan đến giám sát cấp ủy, người đứng đầu chưa nhiều; còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung giám sát và chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm các tồn đọng, bức xúc kéo dài. Còn tình trạng e ngại, chưa góp ý trực tiếp đối với cấp ủy, tổ chức đảng; một số phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa được xem xét kịp thời, thấu đáo.
Trước thực trạng đó, đồng chí đề xuất tăng cường hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong đẩy mạnh giám sát, nhất là tập trung những vụ việc bức xúc kéo dài. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong hoạt động giám sát, có thể phối hợp với Ủy ban kiểm tra của Đảng để tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. “Có những vụ việc trong hoạt động giám sát cần tương tác, cộng hưởng với báo chí”, đồng chí Phạm Phương Thảo nói và cho rằng báo chí là lực lượng có nhiều thông tin đầu vào và đầu ra, nếu cộng hưởng được với lực lượng này thì hoạt động giám sát sẽ tốt hơn. Đồng thời, mạnh dạn kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các bất cập trong giám sát; bảo đảm những điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát,…
Còn theo TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, để cải thiện, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân thì điều quan trọng nhất là phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền được giám sát, để dân hiểu mình có quyền gì, giới hạn đến đâu, giám sát qua kênh nào, hình thức nào.
Đề cập đến hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đối với cán bộ, đảng viên, Thạc sĩ Oiychai Vilaiphone, giảng viên Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) cũng nhìn nhận, hoạt động này ở thủ đô Viêng Chăn thời gian qua tuy thực hiện ở nhiều lĩnh vực song chất lượng chưa cao.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên ở Viêng Chăn, Thạc sĩ Oiychai Vilaiphone đề xuất phải có quy định các kế hoạch giám sát cụ thể, rõ ràng; sửa đổi phương thức làm việc của HĐND và đại biểu HĐND khoa học, sát thực tiễn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND với các cơ quan, tổ chức nhà nước, Mặt trận và các tổ chức quần chúng khác.
Phải kiểm soát được thu nhập và tài sản của cán bộ, đảng viên
Đồng thuận với ý kiến của TS Trần Thị Hà Vân, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau Đặng Trí Thủ cho rằng, phải làm sao tuyên truyền để người dân biết được việc giám sát cán bộ đảng viên là trách nhiệm và quyền lợi của nhân dân. “Quyền lợi nằm ở đâu khi người dân giám sát cán bộ, đảng viên?”, TS Đặng Trí Thủ hỏi và phân tích, phải cho người dân thấy khi cán bộ, đảng viên có sai phạm, có hạn chế mà được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời để họ có những quyết định đúng đắn, đem lại lợi ích cho người dân thì đó là cái lợi người dân được hưởng.
Mặt khác, TS Đặng Trí Thủ đề xuất cần có cơ chế đủ mạnh để người dân tự tin trình bày các ý kiến đối với cán bộ, đảng viên hạn chế khuyết điểm hoặc có vi phạm. Cùng với đó, nêu cao trách nhiệm giám sát của người thân trong gia đình đối với cán bộ, đảng viên. Theo ông, hơn ai hết, người trong gia đình là cầu nối về đạo đức, lối sống, tư tưởng, tài sản, thu nhập… Khi thấy có những bất thường về tài sản thì phải tìm hiểu xem có chính đáng không để từ đó có những nhắc nhở kịp thời. Thực tế thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên bị sai phạm, bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý trong đó có một phần là lỗi của gia đình. Thậm chí có người còn xúi giục người thân làm sai. Cho nên, đây cũng là một kênh quan trọng trong giám sát.
Dù vậy, ông cho rằng những giải pháp trên cũng chỉ là những tác động bên ngoài, quan trọng nhất vẫn là mỗi cán bộ tự giám sát, tự kiểm điểm bản thân, “tự soi, tự sửa”, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ở góc độ khu phố, ông Trần Bá Hà, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1 cho rằng ở cơ sở, đảng viên cấp ủy không gương mẫu, không ngay ngắn thì nói nhân dân không nghe, như vậy sẽ không có phong trào.
“Câu khen hay nhất đối với đảng viên ở cơ sở như chúng tôi là khi người dân nói “ông ấy đúng là một đảng viên” còn câu cay đắng nhất là “thế mà cũng là đảng viên”, ông Trần Bá Hà, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1
Đồng thuận với ý kiến của TS Đặng Trí Thủ, ông Trần Bá Hà cho rằng, khó nhất đối với tổ chức đảng ở cơ sở là vận động, khơi gợi được nhân dân dám nói, dám trình bày thật suy nghĩ của mình. Ông đề xuất, một mặt phải củng cố các chi bộ ở cơ sở để vận động nhân dân đóng góp thực chất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; một mặt phải xây dựng các chi bộ để khi nhân dân có ý kiến thì tiếp thu thiện chí, đầy đủ, có trách nhiệm. Bởi theo ông, ở địa phương, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, Đảng không đứng ra tổ chức, khơi gợi, tập hợp thì không ai làm được, dù có MTTQ, các tổ chức chính trị…
Cùng với việc giám sát, tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thì cần có giải pháp cần và đủ để đảm bảo về vật chất, tinh thần cho đội ngũ đảng viên, để đảng viên xứng đáng nói rằng “danh dự là điều cao quý nhất”. Trong đó, ông đề nghị Trung ương cần nghiên cứu kiểm soát thu nhập và tài sản tốt hơn, nhất là với cán bộ, đảng viên có chức quyền. Ông cho rằng, trong kinh tế thị trường không có “bữa trưa miễn phí”, có lợi thì mới làm, cái lợi đó có thể là đúng đắn nhưng cũng có thể là không đúng đắn. Do đó, muốn giữ đảng viên trong sạch thì phải kiểm soát thu nhập và tài sản công khai, minh bạch hơn.
Chia sẻ tại hội thảo về các kênh giám sát, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức cho biết, hiện nay HĐND TPHCM tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, tăng cường cơ chế đối thoại của cử tri. Cụ thể, đã thành lập nhánh số của tổng đài 1022 để tiếp nhận thông tin từ cử tri; tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Dân hỏi – Chính quyền trả lời”, người dân có thể đối thoại, gửi gắm tâm tư nguyện vọng đến chính quyền thành phố.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-dan-duoc-gi-khi-giam-sat-can-bo-dang-vien-post714374.html