Người dân Hà Nội đội nắng đi khám bệnh đường tiêu hóa
Từ sáng sớm, hàng chục người dân chờ đợi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được khám, tư vấn bệnh về tiêu hóa miễn phí do Khoa Phẫu thuật cấp cứu Bụng của Bệnh viện tổ chức trong ngày 22/6. Đây là hoạt động trong chương trình 'Bệnh lý dạ dày – thực quản, phòng và điều trị đúng' của Bệnh viện.
Thống kê tới 12h trưa 22/6, có gần 80 người dân hoàn thành quy trình khám, được tư vấn về cách điều trị bệnh, hoặc tư vấn về chế độ dinh dưỡng để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Kiên nhẫn chờ đợi tới gần 10 giờ sáng để được khám bệnh, bà Tô A.D. (41 tuổi, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cho biết trong tuần qua bà thường xuyên bị ợ chua, tiêu hóa kém. Thấy cơ thể không khỏe, bà tìm tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để khám bệnh, đồng thời, tầm soát phát hiện ung thư.
Không chỉ bà D. mà còn nhiều người dân khác không quản ngại trời nắng nóng gay gắt, lặn lội tới Bệnh viện để được khám, tư vấn bệnh lý đường tiêu hóa miễn phí.
Theo quan sát của VietTimes, do chương trình được tổ chức vào ngày cuối tuần nên quy trình khám, tư vấn diễn ra rất nhanh. Dù phải nội soi, siêu âm, người dân chỉ mất từ 45 phút đến 60 phút.
Bệnh viện bố trí đầy đủ quạt và phát nước lạnh chống nóng, phục vụ người dân đến khám. Tuy nhiên, càng về gần trưa, tiết trời nóng bức khiến người dân đến khám thưa thớt hơn.
Chương trình dự kiến sẽ khám và tư vấn cho hơn 100 người dân.
TS. Dương Trọng Hiền khám và tư vấn cho người dân.
TS. Dương Trọng Hiền – Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng của Bệnh viện cho biết, tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì rối loạn chức năng đường tiêu hóa gia tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Trung bình mỗi ngày khoa khám khoảng 20 trường hợp liên quan đến bệnh lý dạ dày, trong đó mỗi tuần có khoảng 5 trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Đa phần bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh cảnh viêm dạ dày cấp tính, gặp các rối loạn về đường tiêu hóa gồm trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày cấp và mãn tính, rối loạn đường tiêu hóa như ruột kích thích, đầy bụng khó tiêu, chủ yếu thuộc nhóm người dân ở trong độ tuổi lao động.
Theo TS. Dương Trọng Hiền, nhóm này hay mắc bệnh đường tiêu hóa, do chế độ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, sử dụng đồ uống kích thích như rượu, café, ca cao.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn đường tiêu hóa là stress trong công việc. Ngoài ra, người dân cũng sẽ mắc các bệnh về dạ dày trong quá trình sử dụng thuốc để điều trị bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, viêm xương khớp.
TS. Lê Việt Khánh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng đọc kết quả nội soi.
Chính vì các rối loạn chức năng đường tiêu hóa nói trên thường gặp, người dân nảy sinh tâm lý chủ quan không điều trị bệnh, hoặc có điều trị nhưng không tái khám.
TS. Dương Trọng Hiền cảnh báo, các rối loạn đường tiêu hóa có thể trở thành bệnh mãn tính, biến thành viêm loét dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày mãn tính, xuất hiện các polyp, tổn thương tiền ung thư; hoặc trở thành vòng xoáy bệnh lý với cường độ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, TS. Dương Trọng Hiền khuyên người dân không nên chủ quan khi có các dấu hiệu như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau bụng, đau tức ngực, khó nuốt, ho kéo dài... Trong trường hợp người dân đã điều chỉnh thói quen sinh hoạt, có lối sống khoa học song các dấu hiệu trên vẫn xuất hiện, người dân có thể đã mắc bệnh lý đường tiêu hóa, vì vậy cần đi khám để được điều trị kịp thời.