Người dân Hà Nội ở ven sông Hồng bình tĩnh đối phó lũ
Sau hơn 20 năm, người dân ven sông Hồng khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm,... mới lại chứng kiến cảnh nước sông dâng cao và nhanh như đêm 9/9.
Ông Tư, 83 tuổi, người dân trong khu vực Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) cho biết những năm trước, mực nước sông Hồng cao nhất cũng chỉ 6 m, ngấp nghé 7 m nhưng mức nước hiện cao tới 9 m, "chỉ thêm khoảng 4 m nữa là chạm mép cầu Long Biên".
"Năm nay, do mưa nhiều, cộng thêm thủy điện sông Đà, sông Lô đều xả lũ nên mức nước cao hơn mọi năm. Nước bắt đầu đổ về ba ngày nay rồi nhưng hôm nay là cường nhất. Từ chiều qua đến nay (sáng 10/9) phải dâng hơn 2 m. Tôi cho rằng nước sẽ tiếp tục dâng, ít nhất là thêm 2 m nữa", ông Tư nói.
Theo quan sát của PV Báo điện tử VTC News tại khu vực bến tàu Chương Dương Độ, mực nước sông dâng lên tương đối nhanh. Phóng viên sử dụng một viên gạch dày khoảng 10 - 12 cm để ước chừng mực nước và sau chưa đầy một giờ đồng hồ, nước đã dâng qua viên gạch.
Trong khi đó, nhiều người dân gần sông dùng thuyền, xe kéo di chuyển đồ đạc, gia súc gia cầm chạy lũ. Có những hộ dân ở cao hơn cũng di chuyển đồ đạc lên tầng cao, hay chuẩn bị bao cát chắn nước.
Để hạn chế người dân đi lại và đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã lập hàng rào ở đầu đường Chương Dương Độ.
Tâm lý bình tĩnh
Nhìn chung tâm lý người dân các khu vực ven sông Hồng như Chương Dương Độ, Phúc Xá, Phúc Tân,... tương đối bình tĩnh.
Cô Chính sống gần bến tàu Chương Dương Độ, cho biết đã trải qua nhiều đợt ngập lụt nhưng từ năm 2002 đến nay mới lại chứng kiến cảnh tượng nước sông Hồng dâng cao và nhanh như vậy.
"Tôi cũng như người dân xung quanh có thấp thỏm, lo lắng nhưng đây không phải lần đầu trải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nên hầu hết mọi người đều trong trạng thái tâm lý sẵn sàng. Nước dâng có thể nhanh nhưng chúng tôi vẫn có thể phản ứng kịp. Cẩn thận hơn nữa, nhà tôi đã chuyển bớt đồ điện lên tầng cao hơn", cô Chính nói.
Anh Thắng ở Phúc Xá (phường duy nhất thuộc quận Ba Đình nằm bên ngoài đê sông Hồng) cho biết anh đến Chương Dương Độ để xem xét tình hình ngập lụt ra sao để chuẩn bị biện pháp ứng phó.
"Khoảng 20 năm trở lại đây mới lại xảy ra hiện tượng nước sông dâng cao và nhanh như vậy. Tôi đứng đây được 30 phút, nhận thấy mực nước dâng lên ít nhất 15 cm và khả năng sẽ còn dâng lên cao hơn nữa khi nước ở thượng nguồn tiếp tục đổ về", anh Thằng chia sẻ.
Anh Thắng cho biết thêm khu vực Phúc Xá từng không ít lần ngập lụt nên ít nhiều cũng có sự chuẩn bị trước tình hình nước sông dâng cao hiện nay. "Khu vực Phúc Xá cao hơn Chương Dương Độ một chút, nên tôi xuống theo dõi tình hình nơi này để kịp thời ứng phó. Trước mắt những đồ đạc quan trọng, dễ hỏng hóc ở nhà đã được gia đình chuyển lên tầng 2".
Đánh giá tình hình mực nước dâng trong sáng nay, một cán bộ phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Từ 8h30 sáng nay đến hiện tại (khoảng 10h ngày 10/9), mực nước dâng thêm 40 - 50 cm, dâng rất nhanh".
Theo vị cán bộ, người dân địa phương đã sống quen với cảnh nước dâng như vậy nên "cảm thấy bình thường" nhưng không chủ quan. Phường Tân Xuân cũng tuyên truyền, cảnh báo đến người dân cũng như chuẩn bị sẵn kế hoạch di dời trong trường hợp cần thiết.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao. Dự báo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục dâng nhanh đạt mức báo động 2 trong 12 - 24 giờ tới.
Đêm 9/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Ngày 10/9, lo ngại dòng chảy xiết ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu Chương Dương, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra thông báo về việc hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-dan-ha-noi-o-ven-song-hong-binh-tinh-doi-pho-lu-ar895091.html