Những bếp bánh chưng nghi ngút khói được người dân nấu ngay trên những vỉa hè đường Thủ đô về đêm.
Gia đình chú Sơn đã có 7 năm nhận làm bánh chưng trong dịp Tết đến xuân về. Khách của chú chủ yếu là người thân và hàng xóm xung quanh khu nhà.
Phải đến tối khi mọi người đã đi ngủ, chú mới ra bắc bếp trên vỉa hè dọc sông Tô Lịch. "Sau 12 tiếng đun bằng củi tức là đến sáng sớm mới có thể vớt ra, coi như là thức trắng đêm để canh nồi bánh chưng. Nhà tôi làm bánh từ ngày 22 tháng Chạp, mỗi mùa làm khoảng 500 chiếc", chú Sơn chia sẻ.
Cũng giống như chú Sơn, nhuận làm bánh chưng, cô Nguyệt đang luộc bánh chưng suốt ngày đêm trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).
"Ban đầu tôi gói bánh chưng cho gia đình cúng tất niên thôi, song mọi người thấy tôi gói đầy đặn nên nhờ làm luôn chứ nào có ý định buôn bán gì đâu", cô Nguyệt kể.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay các siêu thị lớn, chục hộ gia đình trên phố Hàng Cháo (Hà Nội) giữ nét truyền thống trong dịp Tết bằng cách cùng nhau ngồi gói bánh chưng, canh bếp lửa chờ bánh chín rồi quây quần bên mâm cơm tất niên.
Đây là năm thứ 2 tổ chức làm nồi bánh chưng chung, công việc được chia đều cho mọi người, gần 80 cái bánh được cả phố luộc
Với người dân ở khu phố này, nếu không tự tay gói bánh chưng thì không khí Tết sẽ không trọn vẹn.
Hình ảnh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng gợi nhớ Tết xưa của nhiều người dân Hà Nội.
Bánh chưng vớt ra được rửa qua nước sạch trước khi được dâng cúng và thưởng thức.
Trong khi mọi thứ đều có thể mua được ở chợ, siêu thị thì hình ảnh bếp bánh chưng với lửa hồng tại các vỉa hè, ngóc ngách phố Hà Nội thật quý giá.
Duy Phạm