Người dân Huế phàn nàn lĩnh vực nào nhất trên hệ thống Đô thị thông minh?
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 4.000 phản ánh của người dân Thừa Thiên-Huế được tiếp nhận thông qua hệ thống phản ánh hiện trường. Qua xác minh có 2.708 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý (trong đó, đã xử lý 2.327, đang xử lý 381).
Đó là một trong những số liệu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào cuối tháng 8/2019 vừa qua.
Hệ thống phản ánh hiện trường được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào hoạt động tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (Trung tâm IOC) vào đầu năm 2019. Đây là bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động phản ánh kiến nghị nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Đồng thời, xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kế đưa ra tại hội nghị, lĩnh vực được người dân “kêu ca” nhiều nhất là trật tự đô thị với 1.073 phản ánh, trong đó đã xử lý 958 trường hợp. Tiếp đến là lĩnh vực vệ sinh môi trường với 611 phản ánh (đã xử lý 537), hạ tầng đô thị 489 (đã xử lý 397), hạ tầng viễn thông 202 (đã xử lý 168), dịch vụ du lịch 27, dịch vụ hành chính công 21, dịch vụ sự nghiệp - công ích 107 (đã xử lý 91) và các lĩnh vực khác 178 (đã xử lý 141).
Ông Dương Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội (TP.Huế) chia sẻ, nếu như trước đây người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần chụp ảnh gửi đến Trung tâm IOC. “Từ đây, chính quyền các cấp được tương tác, xử lý. Từ khi có phản ánh hiện trường, lãnh đạo phường mặc dầu phải xử lý vất vả hơn nhưng đằng sau việc xử lý rốt ráo các kiến nghị, người dân càng tin tưởng vào chính quyền hơn”, ông Khoa nói.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, mục tiêu của việc phát triển dịch vụ phản ánh hiện trường là làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện, góp phần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng chống tội phạm.
“Việc xây dựng và vận hành tốt hệ thống phản ánh hiện trường là “lợi ích muôn đời”. Đó là việc xử lý tốt những bức xúc của xã hội thông qua phản ánh của người dân là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh.