Người dân Khánh Hòa chấp nhận trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu

Những PTTT và các sản phẩm này đều thuộc Đề án 818 của Bộ Y tế, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, được phân phối thông qua kênh bán hàng xã hội hóa của đề án đã dần thay đổi thói quen của người dân. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng dần.

Đề án "Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" được Bộ Y tế ban hành từ năm 2015. Ngay sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp nhận, cung ứng các PTTT mới đảm bảo chất lượng; có trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ cấp tỉnh để điều phối và cung cấp PTTT, hàng hóa và các dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản; 6/6 huyện, thị xã, thành phố với 41 xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, KHHGĐ - sức khỏe sinh sản.

Theo lãnh đạo Chi cục DS – KHHGĐ Khánh Hòa, thời gian đầu triển khai xã hội hóa PTTT, hàng hóa sức khỏe sinh sản, nhiều người còn e ngại vì không biết sản phẩm chất lượng thế nào, giá thành hơi cao. Tuy nhiên, với việc tuyên truyền đến tận hộ gia đình, giới thiệu từng sản phẩm cụ thể về nguồn gốc, thành phần, công dụng và được Bộ Y tế cho phép đưa vào Đề án 818. Người dân đã dùng thử và thấy hiệu quả. Từ đó, mọi người truyền cho nhau biết và dùng nhiều hơn.

Sau một thời gian triển khai, thói quen sử dụng miễn phí các dịch vụ dân số - KHHGĐ của người dân đã dần thay đổi. Người dân chấp nhận trả tiền để được lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Với lợi thế của PTTT và các sản phẩm này đều thuộc Đề án 818 của Bộ Y tế có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, được phân phối thông qua kênh bán hàng xã hội hóa của đề án mà người dân đã tin tưởng.

Sinh 2 con gái và muốn kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy các con cho tốt, nhiều năm trước, chị Lê Thị Mỹ Hạnh (TP. Nha Trang) đã quyết định dùng thuốc tránh thai. Được cán bộ dân số trên địa bàn giới thiệu các phương tiện tránh thai (PTTT) hiện đại, chị đã dùng sang và thấy hợp, ít tác dụng phụ. Chị cho biết sẵn lòng mua khi sản phẩm có giá cả hợp lý. Không chỉ chị mà nhiều bạn bè cũng được chị giới thiệu dùng các sản phẩm trong Đề án để dùng.

Đẩy mạnh triển khai xã hội hóa theo đề án 818 cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong tình hình mới, Khánh Hòa đã đạt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch về DS - KHHGĐ đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt hơn 75,6%; hoàn thành mục tiêu giảm sinh hàng năm từ 0,1‰ - 0,2‰; đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số là 0,65%, tỷ suất sinh đạt 14,35‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 8,04%, giảm 0,1%.

Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân.

Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số cho người dân xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa. Ảnh BĐBND

Tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số cho người dân xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa. Ảnh BĐBND

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa cung ứng PTTT, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ - sức khỏe sinh sản, trong thời gian tới, ngành Dân số tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích xã hội hóa và phát triển thị trường. Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo các sản phẩm trên nhiều kênh thông tin, đảm bảo nguồn cung ứng; mở rộng tiếp thị xã hội các sản phẩm tránh thai; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông tiếp thị xã hội… Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Đề án 818.

Việc củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số tuyến xã, thôn bản và có chính sách đãi ngộ phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, tổ dân phố; Tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số ở cơ sở nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động… cũng góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 818, các mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-dan-khanh-hoa-chap-nhan-tra-tien-de-duoc-lua-chon-nhung-san-pham-phu-hop-voi-nhu-cau-172211214220126113.htm