Video người dân ngõ 252 Mỹ Đình khốn khổ vì rác bủa vây do dự án làm đường bị đình trệ lâu năm:
Theo tìm hiểu, tuyến đường nối giữa đường Phạm Hùng và Lê Đức Thọ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nằm trong dự án đường kết nối từ đường Phạm Hùng (vành đai 3) với vành đai 3.5 đi huyện Hoài Đức Hà Nội có chiều dài 6 km.
Trong đó, đoạn giữa dài hơn 3,5 km từ đường Lê Đức Thọ tới Quốc lộ 70 (nay là đường Trần Hữu Dực và Trịnh Văn Bô) với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã được thông xe từ năm 2017.
Còn đoạn nối giữa đường Phạm Hùng (đối diện Công viên CV1 Cầu Giấy đang xây dựng) - Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) có chiều dài hơn 1,12 km dự kiến hoàn thành vào năm 2021 vẫn bị trì 'treo' do chưa giải phóng mặt bằng tại khu vực ngõ 252 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Hiện tại, khu vực này đã trở thành nơi tập kết tác thải, nhà ở xập xệ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hộ dân trong khu vực.
Ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, hàng chục hộ dân trong ngõ 252 đường Mỹ Đình đang chịu cảnh sống chung với rác thải, mùi hôi thối của cống rãnh.
Rác thải sinh hoạt, vỏ các vật dụng tràn ngập cống ránh.
Trên con đường dẫn vào khu dân cư, các bãi rác tự phát nằm chắn lối đi lại của người dân.
Do không có sự quản lý, rác thải vẫn án ngữ và ngày càng được mở rộng.
Trong đó, chủ yếu là vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt cũng được vứt tràn lan, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Một số nơi đã được đốt một phần, nhưng rác hằng ngày vẫn được tập kết về đây.
Khắp nơi đều là rác.
Ông Phùng V. K một người dân trong ngõ cho biết, gia đình ông đã chịu đựng cảnh sống chung với rác và nước thải từ nhiều năm. Mỗi khi trời mưa con ngõ trở nên lầy lội, nhếch nhác mất vệ sinh. Thậm chí, khi mưa to, nước thải sinh hoạt từ ống cống tràn vào tận ngõ. Những lúc như vậy, người dân phải xếp gạch để ngăn nước chảy ngược vào trong nhà chứ cũng không biết kêu ai. Còn khi trời nắng nóng, người dân phải chịu cảnh khói bụi phát ra từ con đường ổ gà, ổ vịt và mùi hôi thối từ cống rãnh.
Theo quan sát của PV, công trường đang thi công dang dở chỉ được ngăn cách bằng tôn. Dù có tấm biển cảnh báo nhưng từ lâu dự án này đã tạm thời dừng lại từ lâu.
Theo người dân tại đây, dù rất muốn chuyển đi nơi khác, tuy nhiên, do vướng mắc việc bồi thường dự án nên nhiều hộ gia đình cho đến nay vẫn phải bám trụ lại dù đã nhiều năm bị "tra tấn" bới rác thải.
Đồng Diệm