Người dân khốn khổ vì trại chăn nuôi gây ô nhiễm
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân của thôn Đông Hạ, Đông Thượng (xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình) vô cùng bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn gây ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Điều đáng nói là tình trạng này đã được phản ánh từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Khổ sở" đủ đường
Theo bước chân của một số hộ dân thôn Đông Hạ, chúng tôi có dịp "mục sở thị" tình trạng ô nhiễm mà người dân nơi đây đang phải chịu hàng ngày. Vừa bước chân vào gần đến khu chăn nuôi, mùi hôi thối, khai nồng phả lên khiến ai cũng cảm thấy khó chịu, phải kéo khẩu trang lên để ngăn mùi xộc lên mũi.
Bà Vũ Thị H. bức xúc: "Mùi hôi thối rất khó chịu. Những ngày trời nắng, thời tiết oi bức mùi bốc lên càng nặng. Còn những ngày trời mưa, chất thải gia súc chảy lênh láng ra ngõ, ruồi nhặng bay đầy, mất vệ sinh lắm." Bà H. cho biết, cuộc sống của người lớn ảnh hưởng đã đành, nhưng điều bà lo lắng nhất chính là tương lai, sức khỏe của con cháu "Nước thải, chất thải không chỉ mất vệ sinh mà còn ngấm vào đất, vào nguồn nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật cho các cháu."
Anh Phạm Văn Tuấn cho biết: "Để khắc phục tình trạng hôi thối, chúng tôi chỉ có một cách duy nhất là đóng cửa cài then hoặc phải lấy giẻ bịt kín các lỗ hở của cửa để gió không mang mùi hôi thối lùa vào. Nhiều khi con cháu, khách khứa đến nhà chơi cũng phát xấu hổ vì mùi khai, thối không ai chịu được, bọn trẻ chỉ ở một lúc là đòi về."
Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng ô nhiễm trên xuất hiện từ 2 hộ gia đình liền kề nhau, là hộ ông Trịnh Đức Khoa với quy mô gần 30 con bò và hộ gia đình ông Đinh Văn Dũng với quy mô hàng chục con chó và lợn.
"Đang đêm tiếng chó cắn xé, sủa inh ỏi trong chuồng khiến tôi không tài nào ngủ nổi. Ban ngày ô nhiễm đã vậy, ban đêm chúng tôi cũng không được yên" - một bà cụ gần 80 tuổi trong làng chia sẻ.
Bước chân vào các trang trại mới thấy phản ánh, bức xúc của người dân hoàn toàn có căn cứ. Ngoài mùi hôi thối "đặc trưng", thì tại các hộ này, việc xử lý chất thải cũng không được đảm bảo. Theo đó chất thải, nước thải chỉ đơn giản là thải ngay ra khu vườn của gia đình. Đây cũng chính là lý do khiến mùi hôi thối nồng nặc phát tán khắp khu dân cư.
"Vì là hàng xóm láng giềng nên chúng tôi đã khuyên bảo, nhắc nhở gia đình giữ vệ sinh chung nhưng dường như các gia đình không quan tâm, buộc chúng tôi phải ý kiến lên chính quyền địa phương, các ngành, các cấp, kể cả tiếp xúc cử tri, song 2 năm nay tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết. Đồng ý là chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo môi trường, không thể bất chấp sức khỏe của bà con trong làng được." một người dân cho biết.
"Hiện có khoảng 20 hộ thôn Đông Hạ bị ảnh hưởng trực tiếp do tiếp giáp với khu vực chăn nuôi. Ngoài ra còn có nhiều hộ lân cận thuộc thôn Đông Thượng cũng phải chịu mùi hôi thối." -đại diện thôn Đông Hạ nói.
Cảnh tượng mất vệ sinh khi chất thải không qua xử lý mà đổ trực tiếp ra vườn rau muống.
Đến bao giờ mới xử lý triệt để?
Đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình xác nhận: "Trong thời gian qua xã đã nắm được những phản ánh của bà con trong thôn. Ngay sau khi nhận được ý kiến, địa phương đã tổ chức các đoàn xuống kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở; đồng thời yêu cầu gia đình ký cam kết thực hiện đúng các quy định trong xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên đến nay tình trạng này chưa được giải quyết triệt để là do xã còn "vướng" một số khó khăn trong việc tìm phương án xử lý".
Theo bà Hà, những năm gần đây,tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên diện tích đất nông nghiệp của xã giảm vì vậy Ninh Phúc không có khu chăn nuôi tập trung hay những cánh đồng lớn để chăn thả gia súc. Việc các hộ buộc phải nuôi trong quy mô khuôn viên đất của gia đình đã gây mất vệ sinh môi trường. Hiện toàn xã có khoảng 10 hộ chăn nuôi, trong đó có một số hộ gây ô nhiễm môi trường, điển hình như hộ gia đình ông Trịnh Đức Khoa.
Lý giải về việc khó xử lý, bà Lê Thị Thanh Hà thông tin: "Đây là hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện vợ chồng ông Khoa hiện đang nuôi dạy ba người con phát triển không bình thường, kinh tế trông chờ vào việc bán bò nên địa phương còn đang tính toán các phương án xử lý. Các hộ cam kết đến cuối năm nay sẽ giảm quy mô đàn xuống còn một nửa, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm.Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, thực hiện đúng các quy định về xử lý chất thải, nước thải, không làm ảnh hưởng đến môi trường và các hộ xung quanh."
Ninh Bình là một tỉnh nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi vẫn chiếm tỉ trọng lớn, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc chăn nuôi như thế nào để đảm bảo vệ sinh môi trường là điều rất quan trọng. Bởi các chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Đây cũng là nguồn bệnh sinh sôi các loại nấm, khuẩn, dịch hại nguy hiểm.
Hơn lúc nào hết, người dân trong thôn mong chờ địa phương tính toán phương án để sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Thế nhưng trước hết sự thay đổi phải nằm ở chính các hộ dân đang chăn nuôi. Họ cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các quy định về xử lý chất thải.
"Đến bao giờ tình trạng ô nhiễm mới được giải quyết?" có lẽ vẫn là câu hỏi khiến nhiều người dân xã Ninh Phúc trăn trở và chờ đợi…
Bài, ảnh, video: Minh Hải