Người dân không cần mua thuốc Tamiflu để dự trữ
Ngày 10/2, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện và các cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị đảm bảo cung ứng thuốc điều trị cúm, cấm đầu cơ tăng giá.
Theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus có xu hướng gia tăng.
Trên thị trường trong những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.
Để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện và các cơ sở xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị đảm bảo cung ứng thuốc điều trị cúm, cấm đầu cơ tăng giá.
![Người dân không cần mua thuốc Tamiflu để dự trữ. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_422_51447199/394ec2aff7e11ebf47f0.jpg)
Người dân không cần mua thuốc Tamiflu để dự trữ. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn
Cụ thể, cục đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được phân phối hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch dự trữ và mua sắm thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các thuốc kháng virus, đảm bảo sẵn sàng và cung ứng kịp thời thuốc điều trị bệnh cúm. Sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc kháng virus để hạn chế nguy cơ kháng thuốc.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cúm, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Từ đầu năm 2025 đến nay, nước ta ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm mùa, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong; số mắc giảm 97,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực.
Trước đó, năm 2024, nước ta cũng ghi nhận 287.548 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 18,6% nhưng tử vong lại tăng 5 ca. Theo thống kê, các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, có bệnh nền như: Đái tháo đường, tăng huyết áp…
Theo qdnd.vn