Người dân không chủ quan với bệnh sởi

Với tâm lý chủ quan bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, một số ca bệnh sởi ở người lớn diễn tiến nặng. Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân không chủ quan với bệnh sởi, cần tiêm vắc xin và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại TP.Thuận An

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại TP.Thuận An

Tâm lý chủ quan

Hiện trên địa bàn tỉnh dịch bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung bình mỗi tuần tỉnh ghi nhận khoảng 40 ca sởi dương tính và trải đều khắp 9 huyện, thành phố. Điều đáng chú ý là lần dịch này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, mà số lượng người lớn mắc sởi cũng đang gia tăng với mức báo động.

Điển hình trường hợp chị N.N.B (35 tuổi, ở TP.Bến Cát) nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh với triệu chứng sốt cao, nổi ban đỏ toàn thân, mệt mỏi, khó thở, lừ đừ, suy hô hấp và huyết áp thấp. Các bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh sởi, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng kèm theo suy đa tạng. Để cứu chữa, bệnh nhân đã được chỉ định thở máy, sử dụng vận mạch, truyền kháng sinh và lọc máu liên tục để điều trị.

Để chủ động phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ; giữ môi trường sống trong lành, thoáng khí; thường xuyên sát trùng mũi họng; rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi; đeo khẩu trang khi ra đường; ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Những người nghi mắc sởi cần cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

Trường hợp bệnh nhân nam L.N.T (37 tuổi, ngụ TP.Tân Uyên) cũng có các triệu chứng sốt, phát ban ở mặt, cổ, ngực, kèm theo buồn nôn và khó thở khi nhập viện. Ngoài ra anh T. còn gặp phải tình trạng mờ mắt, đỏ mắt và xuất huyết viêm loét kết mạc. Sau nhiều ngày điều trị, các triệu chứng của anh T. đã có dấu hiệu thuyên giảm tích cực. Điều đáng lo ngại là nguồn lây nhiễm đến nay vẫn chưa được xác định vì không có ai trong gia đình anh T. mắc bệnh sởi. “Trước giờ tôi cứ nghĩ trẻ em mới mắc bệnh sởi. Tôi không nghĩ bản thân bị bệnh này nên có phần chủ quan, từ đó bệnh diễn tiến nặng. Tôi cũng chưa bao giờ tiêm phòng vắc xin sởi”, anh T. cho biết.

Nói về nguyên nhân khiến nhiều người lớn mắc bệnh sởi, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết bệnh sởi là do vi rút lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm nhưng suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Phần lớn những trường hợp mắc bệnh là trẻ nhỏ. Người lớn có tỷ lệ mắc bệnh sởi thấp nên thường có tâm lý chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời. Đây là nguyên nhân gây nên biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong ở người lớn khi mắc bệnh sởi, nhất là những người chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

“Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Vi rút sởi sẽ gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ bị nhẹ cân, dị tật thai nhi hoặc thai nhiễm sởi tiên phát”- bác sĩ Huỳnh Minh Chín nhấn mạnh.

Biến chứng khó lường

Theo các chuyên gia y tế, những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không được nhận biết để ngăn chặn kịp thời. Thông thường sau khi hết sốt và hết phát ban, một số bệnh nhân tưởng đã khỏi hẳn, nhưng sau đó tình trạng sốt cao trở lại gây đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn dẫn tới hôn mê. Bệnh nhân có thể bị liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn. Biểu hiện này báo hiệu bệnh đã biến chứng sang viêm màng não hoặc viêm tủy.

Các biến chứng nặng khác có thể xảy ra khi mắc sởi như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm loét kết giác mạc dẫn tới mù lòa. “Với tâm lý chủ quan bệnh sởi xuất hiện ở trẻ em nên người lớn lơ là phòng bệnh, không biện pháp cách ly và chế độ chăm sóc tốt khi mắc bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.

Tiêm vắc xin là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh sởi. Người trưởng thành và trẻ lớn chưa miễn dịch cũng cần phải tiêm vắc xin, đặc biệt những phụ nữ dự định có thai cần tiêm vắc xin phòng sởi ít nhất 1 tháng trước khi có thai.

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch với nhiều yếu tố. Việc tiêm mũi sởi thứ 2 khi trẻ 18 tháng là cơ hội tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng.

Nốt ban ở người bệnh sởi

Bệnh sởi mới khởi phát chưa nổi các ban đỏ, nhiều người thường nhầm với dị ứng, sốt phát ban. Các nốt ban ở người bệnh sởi nổi theo trình tự từ sau tai đến mặt, cổ, ngực, lưng, bụng, tay chân”.

(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh)

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nguoi-dan-khong-chu-quan-voi-benh-soi-a338442.html