Người dân làng Hữu Chấp tái hiện nghi lễ kéo co tại Làng văn hóa

Nghi lễ kéo co bằng tre được người dân làng Hữu Chấp tái hiện tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam với đầy đủ các nghi thức truyền thống.

Trong khuôn khổ các hoạt động của trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” đang diễn ra tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 31/8 đến 2/9, người dân làng Hữu Chấp (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã giới thiệu nghi lễ, trò chơi kéo co bằng tre.

Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Điều đặc biệt này xuất phát từ "nghề truyền thống" từ xa xưa của làng là nghề kéo gỗ thuê ở các làng bên sông.

 Các vị cao niên làng Hữu Chấp thực hiện lễ cúng các vị Thành hoàng. Ảnh: H.Tâm

Các vị cao niên làng Hữu Chấp thực hiện lễ cúng các vị Thành hoàng. Ảnh: H.Tâm

Trong nghi lễ kéo co tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam bắt đầu bằng mô phỏng nghi thức, lễ rước Thành hoàng.

Đoàn rước trang trọng với cờ, trống, chiêng đi từ đình làng ra sân kéo co, tạo nên không khí linh thiêng và hào hứng. Tiếp sau là lễ cúng, cầu mong các vị Thành hoàng phù hộ cho lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là nghi thức quan trọng, thể hiện lòng thành kính của người dân.

Tham gia thi kéo co là các trai đinh trong làng theo đúng tục lệ là 70 người, được chia làm 2 phe: phe Đông và phe Tây. Các thành viên đội kéo co phải là các trai đinh khỏe mạnh, gia đình không có tang trở, được làng chọn cử.

Tất cả các trai đinh đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông trên đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Trước khi thi đấu, các quan đám thực hiện công đoạn phun rượu để tẩy uế và khích lệ thành viên hai đội.

Khi cờ hiệu phất đủ ba lượt vòng quanh cây dây, cuộc thi đấu chính thức bắt đầu. Hai đội ra sức kéo cây dây dài bằng tre về phía mình trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của dân làng và tiếng trống hội giục giã liên hồi.

Theo tục lệ, hai bên phải kéo tất cả 3 keo, bên nào thắng hai keo thì thắng cuộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt của trò chơi này không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà đến keo thứ ba dân làng sẽ vào giúp để bên Đông chiến thắng.

Theo quan niệm từ xưa, nếu bên Đông thắng cuộc, cả năm lúa sẽ được mùa, làng trên, xóm dưới bình yên, hòa thuận.

Nghi lễ kéo co được dân làng Hữu Chấp tổ chức vào ngày mùng 4 Tết hàng năm để tưởng nhớ công đức của 5 vị Thành hoàng làng, có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI.

 Hai đội thi đấu trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội và tiếng trống hội giục giã liên hồi. Ảnh: N.Khánh

Hai đội thi đấu trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội và tiếng trống hội giục giã liên hồi. Ảnh: N.Khánh

Lễ hội kéo co Hữu Chấp là nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân bản địa. Lễ hội được tổ chức để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Trò chơi kéo co cũng đòi hỏi sự hợp sức, đồng lòng của cả cộng đồng để giành chiến thắng. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân, một giá trị truyền thống quý báu của người Việt.

Năm 2015, UNESCO đã chính thức công nhận nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-lang-huu-chap-tai-hien-nghi-le-keo-co-tai-lang-van-hoa-post310248.html