Người dân Làng Vố phát triển chăn nuôi dê
Người dân thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) cùng nhau nhân rộng mô hình chăn nuôi dê và thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê Làng Vố.
Năm 2017, anh Đinh Văn Trêm là người đầu tiên phát triển mô hình chăn nuôi dê ở thôn Làng Vố, xã Sơn Thượng. Từ 4 con dê sinh sản ban đầu, sau 2 năm thả nuôi, anh Trêm đã phát triển đàn dê lên 16 con. "Sáng sớm, tôi mở cửa chuồng cho dê lên núi kiếm ăn, đến chiều dê tự tìm đường về. Thành ra, nuôi dê tôi chỉ bỏ ra chi phí mua con giống, chứ hầu như không phải bỏ tiền mua thức ăn cho dê. Chi phí đầu tư thấp, nhưng cứ đều đặn 2 - 3 tháng, tôi lại bán từ 3 - 4 con dê thịt, thu về từ 15 - 18 triệu đồng", anh Trêm chia sẻ.
Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi dê của gia đình anh Trêm, người dân thôn Làng Vố lần lượt đến nhà anh Trêm để học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Năm 2019, toàn thôn có thêm 12 hộ phát triển mô hình nuôi dê. Có nhiều hộ gia đình như Đinh Văn Kia, Đinh Văn Yếu... đều đã gầy dựng được đàn dê từ 20 - 30 con.
"Lúc mới nuôi, mình bỡ ngỡ lắm. Nhưng cũng nhờ có anh Trêm và những anh em đi trước hướng dẫn tận tình, từ cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho dê đến địa chỉ mua con giống uy tín, những thương lái thu mua dê thịt với giá cao... Từ sự chia sẻ đó, mình và mọi người đã tạo nên được một nhóm hộ chăn nuôi đoàn kết, cùng giúp đỡ nhau phát triển", anh Đinh Văn Yếu vui mừng cho biết.
Từ một vài hộ nuôi dê ban đầu, đến nay, những người chăn nuôi dê ở Làng Vố đã cùng lập nên Chi hội chăn nuôi dê gồm 13 thành viên, với tổng đàn dê có thời điểm lên đến 300 - 400 con. Hiện tại, chi hội đang hướng dẫn, hỗ trợ thêm 3 hộ dân trong thôn tiếp cận mô hình, cùng giúp nhau thoát nghèo nhờ vào chăn nuôi dê.