Người dẫn lối ở Bản Cuôn

Người ta đồn về một bí thư chi bộ với chiếc mũ cối, ăn vận giản dị chỉ với những bộ cánh đã sờn cũ nhưng trên tay luôn cầm cuốn sổ ghi chép công việc khiến tôi tò mò lắm. Để 'mục sở thị' về ông cán bộ này, tôi đã tìm về Bản Cuôn và được biết ông là Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tuy.

Tự mình làm trước

Bản Cuôn là bản của người Tày, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, toàn thôn có 64 hộ dân thì có đến 70% là hộ nghèo. Ông Tuy bồi hồi nhớ lại, năm 2000 khi mới 29 tuổi ông bắt đầu công việc với vai trò người tuần rừng. Ngày đó mỗi ngày đi tuần 6,7 km đường rừng ở xã Sinh Long, nhưng chả thấy mệt, năm 2007 ông nghỉ làm và cùng năm đó được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Công việc của cán bộ thôn tuy không phải di chuyển như đi rừng nhưng trăm thứ, việc gì cũng đến tay. Ông nhớ mãi, hồi đó mới hơn 30 chục tuổi, kinh tế khó khăn, gánh cái vai Bí thư Chi bộ, nói chả ai nghe, đe chả ai sợ. Ngẫm nghĩ mãi, ông tự dặn lòng, phải làm điều gì đó để người dân nể trọng, làm theo.

Với suy nghĩ đơn giản đó, năm 2007, ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang được 5 triệu đồng, số tiền này ngày đó to lắm, mua được cả 1 con nghé, cải tạo 5 ha rừng bỏ hoang trồng cây mỡ. Sẵn với đôi chân cán bộ tuần rừng, ông đi từng cây, bón phân từng gốc, tự mình làm cỏ, làm đất. Tôi hình dung một con người nhỏ bé giữa bốn bề rừng núi mới thấy nghị lực của ông đến cỡ nào. Ông chỉ cười và bảo, đời đặt mình phải làm thế, mình không vươn lên thì cũng mãi dậm chân tại chỗ thôi.

Ông Hoàng Văn Tuy, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cuôn chăm sóc vườn cam của gia đình.

Ông Hoàng Văn Tuy, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cuôn chăm sóc vườn cam của gia đình.

Xoay đủ nghề, làm đủ mọi công việc nhưng trong ông vẫn đau đáu suy nghĩ làm sao để dân thôn mình thoát nghèo. Đến năm 2012, kinh tế bắt đầu dần ổn định, bởi năm 2013 bán được 3 ha rừng, thu được hơn 130 triệu đồng. Thế là nhiều người nhìn ông “mê” lắm. Nhưng rồi đùng một cái ông bỏ 1 ha rừng, cải tạo đất trồng cam sành. Nhiều người bĩu môi bảo, đang làm ăn tốt tự dưng đi trồng cam trên đất rừng, đầu óc có vấn đề thật rồi. Nghe vậy ông cũng suy nghĩ lắm, nhưng thôi, việc mình đề ra rồi thì phải làm cho bằng được. Lúc đầu thì khó đấy, bởi kỹ thuật chưa nắm được, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp. 3 năm đầu hầu như không có thu hoạch, đến năm thứ 4 mới thu được 7 tạ quả. Ông lại tìm tòi cách chăm sóc cam, những năm tiếp theo năng suất tăng dần, và đến giờ đạt hơn chục tấn cam mỗi vụ rồi.

Kinh tế của gia đình ông ngày một đi lên và ở Bản Cuôn giờ ông có tiếng nói lớn lắm, nói ai cũng nghe, nghe vì tư duy mới vì sự dám nghĩ, dám làm. Năm 2020, tận dụng vườn cam ông nuôi gà thả vườn trên 200 con, gà là những “bác sỹ” bắt sâu cho cam, vườn cam mỗi ngày một sai quả và hơn hết “gà ông Tuy” được nhân dân xã Yên Hoa chọn mua làm quà biếu gần xa bởi chất lượng thịt ngon, sạch và giá lại vô cùng hợp lý.

Nói lẽ phải thì dân sẽ nghe

Hơn 16 năm làm Bí thư Chi bộ, có nhiều kỷ niệm mà đến giờ ông Tuy vẫn nhớ như in về một thời xông pha tuổi trẻ, có sự liều, sự ngông nhưng tất cả cũng vì nhân dân trong thôn cùng nhau thay đổi để phát triển.

Ông Hoàng Văn Tuy hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc cây rừng đạt hiệu quả cao.

Ông Hoàng Văn Tuy hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc cây rừng đạt hiệu quả cao.

Năm 2013, tại thôn Bản Cuôn được Nhà nước hỗ trợ làm trường mầm non cho lũ trẻ đi học đỡ xa, nhất là những ngày mưa gió. Nhà nước đầu tư người dân thụ hưởng, chuyện tốt thế tưởng nhân dân phải ủng hộ, ấy thế mà có hộ ông Nông Văn Tuấn do trường xây dựng phải dịch vào hơn 20m2 đất vườn của gia đình, xã vận động, thôn vận động đều không được. Ông Tuy cũng nhiều lần đến vận động được chồng thì vợ không đồng ý, lúc được vợ thì chồng lại không, câu chuyện qua lại chưa có hồi kết. Nghĩ mãi, ông Tuy bèn mời 2 vợ chồng ông Tuấn sang nhà chơi, đồng thời mời luôn vài người có uy tín trong cộng đồng đến nhà, trong bữa cơm thân mật, được khuyên bảo, được nói rõ về lợi ích của ngôi trường khi xây xong, ông Tuấn cùng vợ xin 2 ngày suy nghĩ đã tự nguyện viết giấy xin hiến toàn bộ đất cho công trình. Việc này ông Tuy được chính quyền xã cảm phục lắm, nhưng ông chỉ cười, cái gì có lợi cho dân thì phải làm chứ.

Hồi năm 2017, toàn thôn được giao làm 1 km đường bê tông, mỗi hộ đóng góp 640 nghìn đồng, số tiền với người có thì không to nhưng với hộ nghèo thì lớn lắm, vận động mãi được hơn 30 hộ đóng tiền còn lại đều xin khất. Vật liệu đã về mà vẫn không đủ vốn đối ứng làm đường, ông Tuy tự ứng ra số tiền 20 triệu đồng, mua vật liệu để làm đường cho đúng kế hoạch. Ngày đó cũng song song có chương trình làm kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, Nhà nước hỗ trợ thì người dân bỏ công, nhưng vận động mãi không ai làm. Ông Tuy bảo, nhà mình không có ruộng, nhưng mình huy động cả 6 nhân khẩu của gia đình đi làm, dân nhìn thấy tự thấy ái ngại, chả ai bảo ai, toàn dân bê cấu kiện, toàn dân lắp kênh mương và tuyến kênh mương Bản Cuôn hoàn thành đầu tiên của xã. Có nước tưới bà con phấn khởi lắm, còn bảo có thì để dân tiếp tục làm.

Anh Nông Văn Tiến, “đại gia” bò của thôn kể, ngày xưa gia đình anh nghèo nhất thôn, năm 2015, ông Tuy xin cho anh được 2 con bò cái từ Chương trình giảm nghèo của huyện để nuôi. Anh chắt bóp chỉ nuôi nhân đàn chứ không bán, giờ anh có 10 con bò. Anh bảo, năm vừa rồi bán được 2 con bê thu được hơn 20 triệu đồng cộng với trồng rừng nên kinh tế giờ khấm khá rồi, không bị đói nữa.

Ông Tuy bùi ngùi, mình vẫn còn chưa hoàn thành nhiệm vụ, bởi lớp trẻ vẫn đang đi làm công ty khá nhiều, chưa mặn mà lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Năm tới ông sẽ mở rộng trồng thêm 2 ha cam, thu hẹp một phần diện tích rừng, nếu thành công sẽ bảo lớp trẻ cùng làm từng bước chuyển đổi cây trồng nâng cao đời sống người dân.

Ghi chép: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-dan-loi%C2%A0o-ban-cuon-174063.html