Người dân Long An mong chờ những tuyến kè chống sạt lở

Thời gian qua, tại Long An xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Bà con địa phương sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm và kiến nghị nhà nước quan tâm làm đê kè bảo vệ, vừa chỉnh trang đô thị vừa đảm bảo an toàn cuộc sống người dân.

Thấp thỏm bên bờ kênh Thủ Thừa

Dọc sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vừa liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Những tuyến kênh lớn thuộc lưu vực con sông này với hàng ngàn hộ dân sống hai bên cũng trong tình trạng bị đe dọa.

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua địa bàn Thủ Thừa

Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua địa bàn Thủ Thừa

Ghi nhận của phóng viên tại tuyến kênh Thủ Thừa dài 7 km, nối sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông cho thấy, hệ thống đê kè chưa hoàn chỉnh, nguy cơ sạt lở ở nhiều điểm.

Nhiều hộ dân tại đây cho biết, kênh Thủ Thừa một trong những tuyến đường giao thông thủy huyết mạch có lưu lượng phương tiện giao thông tấp nập từ khu vực Đồng Tháp Mười về TP.HCM và Đông Nam bộ… Hệ thống kè và bờ bao chưa hoàn chỉnh khiến nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh này luôn phải thấp thỏm, lo lắng mỗi khi có phương tiện lớn di chuyển qua. Việc sạt lở lớn được dự báo xảy ra trong nay mai nếu hai bên bờ sông không có kè kiên cố.

Người dân trong lưu vực sông Vàm Cỏ Tây sống thấp thỏm lúc nào cũng để ghe xuồng trực sẵn phòng hờ tình huống bất trắc

Người dân trong lưu vực sông Vàm Cỏ Tây sống thấp thỏm lúc nào cũng để ghe xuồng trực sẵn phòng hờ tình huống bất trắc

Bà Lê Thị Loan, Khu phố 3, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nêu ý kiến: "Bữa giờ sạt lở nhiều lắm, tàu lớn chạy nước đẩy vào là sạt suốt… Tình hình nguy cơ sạt lớn thấy đất lở giáp mí đường lộ giao thông luôn rồi. Cũng mong kè được gia cố làm sớm cho mỹ quan chứ cỏ mọc um tùm, rồi đất lở vầy mất mỹ quan, không an toàn…".

Bờ kênh Thủ Thừa, đoạn khu vực thị trấn hiện đã được gia cố khoảng 1,5 km, phần còn lại dở dang chờ thi công giai đoạn 2. Được biết Chính phủ phân bổ kinh phí 340 tỷ đồng để triển khai giai đoạn tiếp theo với tổng chiều dài hai bên hơn 2,5 km. Hiện nay, địa phương đã thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư cho người dân, với tổng kinh phí 73 tỷ đồng.

Kênh Thủ Thừa nối sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông là tuyến đường thủy huyết mạch bị đe dọa bởi sạt lở

Kênh Thủ Thừa nối sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông là tuyến đường thủy huyết mạch bị đe dọa bởi sạt lở

Tuy nhiên, 3 năm qua, dự án vẫn chưa được thi công, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị…

Ông Thi Văn Đức, người dân địa phương kiến nghị: "Nước sạt kéo theo đất mé đường sá rất nguy hiểm, bờ kè chưa hoàn chỉnh nên rất thường xảy ra tai nạn dữ lắm… bà con đi xe máy bị té nhiều. Nếu được gia cố sớm bờ kè, rồi phần đường có ánh sáng hoàn thiện bà con đi lại sẽ an toàn hơn. Không chỉ chủ động phòng sạt lở mà còn giúp bà con an tâm sinh sống di chuyển dọc hai bên tuyến kênh này".

Làm sớm chừng nào dân yên tâm chừng đó

Thực tế, với nguồn lực hiện có, tỉnh Long An chỉ mới đầu tư được một số công trình kè tại một số vị trí sạt lở; còn nhiều vị trí cần phải tiếp tục đầu tư, trong đó có bờ kè kênh Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, với tổng mức đầu tư khoảng 340 tỷ đồng.

Vị trí cần xây dựng kè chống sạt lở dọc kênh Thủ Thừa Long An

Vị trí cần xây dựng kè chống sạt lở dọc kênh Thủ Thừa Long An

Do tổng mức đầu tư công trình tương đối lớn trong khi ngân sách địa phương còn phải cân đối, bố trí cho rất nhiều công trình trọng điểm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nên UBND tỉnh Long An đã có báo cáo gửi các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ việc đầu tư này.

Theo ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hiện kênh Thủ Thừa bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó việc xây dựng Kè chống sạt lở bờ kênh Thủ Thừa là cần thiết, cần được ưu tiên nhằm bảo vệ khu dân cư có mật độ đông đúc và kết hợp chỉnh trang đô thị.

Xây dựng kè vừa chủ động phòng ngừa diễn biến sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông thủy và tạo hành lang an toàn cho khu vực…

Kênh Thủ Thừa một trong những tuyến đường tắt huyết mạch về giao thông thủy có lưu lượng phương tiện tấp nập từ khu vực Đồng Tháp Mười về TP.HCM và Đông Nam bộ

Kênh Thủ Thừa một trong những tuyến đường tắt huyết mạch về giao thông thủy có lưu lượng phương tiện tấp nập từ khu vực Đồng Tháp Mười về TP.HCM và Đông Nam bộ

"Nếu được thực hiện 2 đoạn kè này, sẽ mang lại sự ổn định và khởi sắc mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, trong đó có vị trí trung tâm hành chính. Qua cân đối ngân sách tỉnh cũng đã đầu tư nhũng cây cầu bắc qua kênh Thủ Thừa kết nối với khu hành chính mới 5ha. Cuối năm 2024, địa phương tập trung dịch chuyển toàn bộ về khu mới này…", ông Tới nói.

Toàn tỉnh Long An có khoảng 20 điểm sạt lở lớn tại TP Tân An và các huyện Thủ Thừa, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh… tổng chiều dài trên 13km. Long An cũng đã nỗ lực cân đối nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng để gia cố sửa chữa, xử lý hiệu quả hàng chục điểm sạt lở nhỏ tại một số tuyến đê, kè… trên địa bàn.

Tuy nhiên nguồn kinh phí để xử lý những điểm lớn, trong đó có khu vực Thủ Thừa đang bị đe dọa bởi sạt lở rất nghiêm trọng, địa phương rất mong được tiếp tục được sự quan tâm, hỗ trợ của bộ ngành và Thủ Tướng chính phủ để sớm xử lý vấn đề này.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-long-an-mong-cho-nhung-tuyen-ke-chong-sat-lo-post1098939.vov