Người dân miền núi làm giàu từ quả đặc sản
Từ việc nhiều người có ý định chặt bỏ vì kém hiệu quả nhưng nay bưởi Phúc Trạch đã mang lại thu nhập khấm khá cho nông dân huyện Hương Khê.
Người trồng phấn khởi “hái quả đếm tiền”
Những ngày này, tại “thủ phủ” trồng bưởi Phúc Trạch (huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh) đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch. Năm nay, người trồng thứ quả đặc sản trên rất phấn khởi vì được mùa được giá.
Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh, được vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bưởi Phúc Trạch còn là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020 và Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản bưởi Phúc Trạch.
Với vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ là yếu tố quan trọng trong hương vị của bưởi Phúc Trạch, rất thích hợp với khẩu vị của nhiều người tiêu dùng. Mỗi quả bưởi đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 0,7 đến 1,5kg; bên trong có màu phớt hồng, rất dễ bóc tách.
Ông Cao Đình Thục (trú thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) phấn khởi cho biết, năm nay gia đình trồng 125 gốc bưởi Phúc Trạch, trong đó có 80 gốc cho ra sản phẩm quả.
“Vụ này sẽ bán ra thị trường khoảng 1.500 đến 2.000 quả với giá bình quân thương lái vào thu mua tại vườn từ 22.000 đến 25.000 đồng/quả, trừ chi phí, ước tính thu về khoảng 50-60 triệu đồng”, ông Thục nói.
Đang tất bật hái bưởi để bán cho thương lái, anh Lê Văn Đường (xã Hương Trạch) cho hay, năm nay vườn bưởi hơn 200 gốc của gia đình anh đạt năng suất cao, quả to đều, cho thu hoạch đúng vụ nên được người mua tìm đến tận vườn.
“Với giá cả hiện tại, vườn bưởi của tôi cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, chi phí chăm sóc cũng không lớn nên lợi nhuận khá cao”, anh Đường nói.
Tương tự vườn bưởi hơn 100 gốc trồng được năm năm của gia đình anh Nguyễn Văn Công (xã Phúc Trạch) cũng mang lại thu nhập khá. Nguồn kinh tế từ bưởi đặc sản mang lại giúp gia đình anh trang trải cuộc sống và mua sắm thêm tiện nghi sinh hoạt.
“Cũng nhờ thu nhập từ bưởi mà kinh tế của gia đình tôi ổn định, từ đó giúp chúng tôi có điều kiện hơn để chăm lo cho việc học hành của các con”, anh Công nói.
Còn ông Võ Văn Trình (xã Phúc Trạch) thừa nhận, bưởi Phúc Trạch là giống quả không chỉ giúp gia đình ông mà hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê có thu nhập khấm khá.
Ông Trình chia sẻ: “Bưởi Phúc Trạch là loại quả được người dân ở đây trồng từ lâu đời nhưng có giai đoạn khoảng 10 năm (từ 2005-2015), cây ra hoa nhiều nhưng không đậu quả. Nhiều gia đình chán nản muốn chặt bỏ vì không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Những năm sau đó, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người nông dân biết thụ phấn bổ sung, bưởi lại cho năng suất trở lại. Từ đó, những hộ trồng bưởi lại phấn khởi chiết cành, mở rộng diện tích. Đến nay, bưởi Phúc Trạch không chỉ là tên riêng của địa phương mà đã thành đặc sản mang thương hiệu chung của Hà Tĩnh.”
Đảm bảo phát triển bền vững
Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết, năm nay toàn huyện Hương Khê có 2.768ha bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.912ha.
Tổng sản lượng quả bưởi toàn huyện ước đạt 21.037 tấn, doanh thu kinh tế ước đạt 500 tỷ đồng. Đánh giá vụ mùa bưởi Phúc Trạch năm nay tuy quả nhỏ hơn so với năm 2022 nhưng quả đều, đẹp, chất lượng ngọt hơn và bán được giá, tiêu thụ khá thuận lợi.
Theo ông Tịu, bưởi Phúc Trạch được trồng nhiều tại địa bàn các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang... huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
"Bưởi Phúc Trạch được xem là cây chủ lực, phát triển kinh tế tại địa phương, đa số các xã trên địa bàn huyện đều trồng bưởi. Không chỉ xóa đói giảm nghèo, bưởi Phúc Trạch còn giúp nhiều hộ gia đình làm giàu", ông Tịu nói.
Lãnh đạo UBND huyện Hương Khê cho biết, với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, đẩy mạnh liên kết, những năm qua, huyện Hương Khê đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất là tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất rừng, bãi bồi ven sông để mở rộng diện tích bưởi Phúc Trạch.
Bên cạnh đó, nhiều năm nay, bưởi Phúc Trạch được UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê và các ngành chức năng, đoàn thể hỗ trợ xây dựng phương án, giải pháp xúc tiến kết nối, tiêu thụ.
Trong đó có đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, do đó việc tiêu thụ bưởi Phúc Trạch có những chuyển biến tích cực, tránh tình trạng tư thương ép giá, tạo niềm tin, động lực cho các hộ trồng bưởi yên tâm mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-mien-nui-lam-giau-tu-qua-dac-san-post654320.html