Người dân mong chờ sớm xóa 'vết lõm' giữa lòng 'Thành phố 4 an'

Là công dân của 'Thành phố 4 an', 'Thành phố 5 không 3 có', nhưng gần 15 năm qua, hơn 81 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại tổ 89 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) vẫn chưa thể an cư an nghiệp và đối mặt với khó khăn trăm bề chỉ vì bị vướng dự án quy hoạch 'treo'.

Khu dân cư tổ 89, phường Hòa Xuân nằm kẹp giữa bờ sông và tuyến đường Đinh Gia Trinh nối từ cầu Nguyễn Tri Phương về hướng cầu Cẩm Lệ, trên dải đất trũng thấp 2-3m so với mặt đường. Gần 15 năm qua, cả khu dân cư không có một mái ngói mới. Nhìn xa xa chỉ thấy những ngôi nhà loang lổ, xập xệ lẩn khuất trong cây cỏ ngút ngàn. Giữa khu dân cư là con mương lộ thiên dẫn nước thải từ những khu phố trên khu đất cao chảy qua và đổ ra sông Cẩm Lệ, cả ngày bốc mùi hôi thối. Chỉ cách vài bước chân, song với người dân sống tại tổ 89 như ở thế giới khác so với phần còn lại của phường Hòa Xuân, của quận Cẩm Lệ và TP Đà Nẵng.

Nhiều ngôi nhà của người dân bị hư hỏng, dột nát nhưng không được phép sửa chữa.

Nhiều ngôi nhà của người dân bị hư hỏng, dột nát nhưng không được phép sửa chữa.

Nằm ngay đầu con dốc bê tông dẫn vào khu dân cư tổ 89, ngôi nhà của Tổ trưởng - ông Nguyễn Phan Vinh, thường xuyên bị nước từ trên đường Đinh Gia Trinh tràn vào nhà mỗi khi trời mưa lớn. Xung quanh nhà, cây cỏ mọc rậm rạp là nơi trú ngụ của rắn rít, muỗi mòng. Chỉ vài ngày trước, con trai ông Vinh nhờ xe múc dọn cây cỏ và đổ xe đá mi để làm sạch vạt đất cạnh con dốc trước nhà thì ngay lập tức cán bộ quy tắc đô thị xuất hiện, đòi xử phạt lái xe. Mỗi khi người dân đổ xe đất cát để nâng nền, sửa nhà thì cán bộ phường sẽ nhanh chóng có mặt để nhắc nhở…

Ông Vinh cho biết, tổ 89 trước đây thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, sau đó được sáp nhập vào phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Năm 2009, khu vực tổ 89 được quy hoạch làm dự án Khu dự trữ đất ven sông phía Bắc khu E - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Đến năm 2010, các hộ dân trong tổ được kiểm đếm tài sản và áp giá nhưng chưa tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau đó, chính quyền địa phương lấy ý kiến nhân dân về chủ trương di dời, giải tỏa để thực hiện dự án. Nhưng đa phần người dân mong muốn được tái định cư tại chỗ, dẫn đến dự án tiếp tục kéo dài mà chưa thể triển khai…

Ông Nguyễn Viết Phu, một người dân trong tổ 89 không kìm được nước mắt khi kể về tình cảnh “đi không được, ở không xong” do nhà cửa nằm trong vùng dự án. Cũng như phần lớn cư dân tổ 89, gia đình ông Phu là “dân gốc”, nhiều đời sinh sống, gắn bó trên mảnh đất này nhưng sẵn sàng nhường đất để thành phố thực hiện dự án để chỉnh trang đô thị, xây dựng phố xá khang trang. Tuy nhiên chờ mãi, dự án khai thác quỹ đất nhiều lần đổi tên và vẫn chỉ nằm trên giấy. Trải qua mưa nắng, ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1968 xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được phép sửa chữa. Vào mùa mưa bão, gia đình ông Phu cùng hàng chục hộ gia đình khác được chính quyền xã Hòa Xuân vận động di dời đến các trường học trên địa bàn để trú bão, đề phòng nhà sập hoặc bị ngập lụt. Nhà ông Phu nhiều lần bị lũ tràn, hư trôi đồ đạc, vật dụng.

Cũng như ông Phu, nhiều người dân tổ 89 thường xuyên chịu cảnh ngập lụt, đường sá hư hỏng, ô nhiễm môi trường… Nhà cửa xuống cấp, dột nát nhưng người dân vẫn không thể sửa sang; muốn tách thửa để mua bán hay chia cho con cái cũng không được, muốn cầm cố ngân hàng để lấy tiền làm ăn hay chữa bệnh cũng không xong. Suốt hơn 15 năm qua, khu dân cư tổ 89 bỗng trở thành một “vết lõm” trong quá trình đô thị hóa của phường Hòa Xuân, của TP Đà Nẵng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo khảo sát sơ bộ của UBND quận Cẩm Lệ, khu dân cư tổ 89 phường Hòa Xuân hiện có 228 có nhà ở, đất ở và kinh phí để đền bù giải tỏa cần khoảng 375 tỷ đồng. Hiện nay thành phố đang hoàn thành các bước cuối cùng để quy hoạch, sử dụng đất phù hợp với nhu cầu phát triển. Đối với ý kiến của một số người dân về việc nếu không giải tỏa thì xóa dự án “treo” để người dân có thể tiếp tục ở lại, được phép làm nhà, sửa chữa nhà cửa.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho rằng, khu vực này thấp trũng, thường xuyên ngập lụt làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; đồng thời không đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị nên cần phải giải tỏa, chỉnh trang. “Theo quy hoạch mới, sẽ có đất tái định cư tại chỗ, người dân không phải đi nơi khác. Đây chính là chìa khóa giải quyết vấn đề, đáp ứng nguyện vọng của người dân”, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ chia sẻ.

Được biết cuối tháng 6 vừa qua, BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP Đà Nẵng cũng đã nghiên cứu, đề xuất ý tưởng đầu tư mới tại khu đất dự trữ ven sông phía bắc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ thuộc tổ 89 phường Hòa Xuân. Theo đó, tại khu vực này nên hình thành khu đô thị - khu dân cư để đảm bảo đủ đất bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân giải tỏa, đồng thời dành một phần lớn diện tích đất bố trí công viên cây xanh. Việc triển khai dự án đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong công tác phòng, chống lũ trên sông Cẩm Lệ; đảm bảo nguyên tắc hình thành khu đô thị nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc thoát lũ. Người dân tổ 89 phường Hòa Xuân cũng mong muốn dự án được triển khai thật sự để họ có nhà ở, để được “an cư lạc nghiệp”, chứ không phải tiếp tục chịu đựng như mười mấy năm qua.

Thân Lai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/nguoi-dan-mong-cho-som-xoa-vet-lom-giua-long-thanh-pho-4-an-i700518/