Người dân mong mỏi công trình thủy lợi Ăng Treng được sửa chữa

Do ảnh hưởng của đợt lũ lớn xảy ra vào năm 2009, công trình thủy lợi Ăng Treng ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông bị bồi lấp, hư hỏng nặng phía thượng nguồn, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng chục hộ dân địa phương. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương một mặt kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp cải tạo công trình, mặt khác vận động người dân dần chuyển đổi diện tích lúa nước thiếu nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp hơn để ổn định cuộc sống.

Hệ thống ống dẫn nước của công trình thủy lợi Ăng Treng ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông bị bồi lấp, hư hỏng nhiều vị trí nên hoạt động kém hiệu quả -Ảnh: Đ.V

Hệ thống ống dẫn nước của công trình thủy lợi Ăng Treng ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông bị bồi lấp, hư hỏng nhiều vị trí nên hoạt động kém hiệu quả -Ảnh: Đ.V

Dẫn chúng tôi tìm hiểu thực tế công trình thủy lợi Ăng Treng sau một thời gian dài bị bồi lấp, hư hỏng nặng ở nhiều điểm, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ A Ron cho biết: công trình thủy lợi quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp này hiện giờ chỉ cung cấp nước tưới cho chưa đầy 50% diện tích trồng lúa nước ở thôn A Bung.

Điều này đã khiến diện tích cây lúa nước - loại cây lương thực quan trọng đảm bảo đời sống cho người dân địa phương - bị thu hẹp nhiều. Toàn thôn A Bung có 64 hộ dân canh tác khoảng 1,9 ha diện tích sản xuất lúa nước. Mỗi hộ có diện tích đất làm lúa nước bình quân khoảng 300 m2 , trước đây cơ bản giải quyết được “bài toán” lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay do không đủ nước tưới nên sản xuất lúa nước rất bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa nên khá khó khăn.

Từ năm 2009 đến nay, gia đình bà Hồ Thị Căn Sa cũng như hàng chục hộ dân khác trong thôn A Bung chỉ trồng được lúa rẫy, ngô hoặc một số cây hoa màu trên diện tích chuyên canh cây lúa nước trước đây. Tuy vậy, do tập quán đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương ít chú trọng bón phân, kinh nghiệm, kỹ năng canh tác các loại cây trồng cạn còn hạn chế nên năng suất cây trồng đạt thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

“Gia đình tôi có hơn 300 m2 chuyển từ trồng lúa nước trước đây sang trồng lúa rẫy, nhưng năng suất giảm nhiều. Vụ tiếp theo trồng ngô nhưng năng suất cũng thấp, cuộc sống vì vậy trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi mong công trình thủy lợi được cải tạo để có nước nhiều hơn hoặc được hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn trồng trọt để có điều kiện cải thiện cuộc sống”, bà Căn Sa chia sẻ.

Theo Trưởng thôn A Bung Hồ Văn Lo, trong tổng số 64 hộ dân thôn A Bung thì có đến 34 hộ gia đình thiếu nước để sản xuất lúa nước, buộc phải nỗ lực chuyển đổi sang trồng một số cây trồng khác như ngô, lúa rẫy, hoa màu và chăn nuôi. Tuy vậy, do cuộc sống đa số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn rất khó khăn nên không có chi phí đầu tư ban đầu về cây, con giống, rất cần được sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà tài trợ.

“Thật sự là trồng lúa rẫy năng suất thấp, không đảm bảo đời sống cho bà con. Lúa nước thì càng nan giải vì thiếu nước trầm trọng. Nguyện vọng của các gia đình có diện tích thiếu nước sản xuất là được nhà nước, các cấp, ngành hỗ trợ cây, con giống, tập huấn để chuyển sang trồng các loại cây trồng như ngô, lạc, đỗ xanh, hoa màu… và một số mô hình chăn nuôi để tạo sinh kế bền vững hơn”, Trưởng thôn Hồ Văn Lo kiến nghị.

Công trình thủy lợi Ăng Treng ở thôn A Bung lấy nguồn nước từ khe suối Ăng Treng, được xây dựng cách đây 21 năm. Sau vài năm đưa vào sử dụng khá hiệu quả thì vào năm 2009, đợt lũ lớn xảy ra trên địa bàn đã làm công trình hư hỏng, xuống cấp nặng.

Trong đó ở khu vực thượng nguồn suối Ăng Treng hầu như bị đất đá bồi lấp, không có nước. Chỉ phía hạ nguồn suối là còn có nước nhưng cũng chỉ đạt chưa đến 50% thiết kế của công trình, không đảm bảo chức năng tưới cho sản xuất lúa nước của các hộ dân thôn A Bung. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực, thường xuyên tổ chức ra quân duy tu, sửa chữa, nạo vét công trình nhưng nguồn nước cũng chỉ tưới được cho gần 1 ha lúa nước, diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước từ… trời.

Ông Hồ A Ron cho biết thêm: “Thời gian qua, nước phục vụ sản xuất thiếu trầm trọng do công trình thủy lợi Ăng Treng bị hư hỏng, đa số các gia đình không sản xuất được lúa nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, xã đã có chủ trương vận động bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Chúng tôi cũng mong muốn, trong thời gian tới nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để xã đầu tư sửa chữa hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho người dân”.

Hiện nay mùa khô đang bước vào cao điểm, nguồn nước ở công trình thủy lợi Ăng Treng đang dần khô cạn. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời trong xây dựng, sửa chữa công trình thủy lợi có quy mô, hiệu quả hơn để hỗ trợ sản xuất lúa nước và các loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế thì cuộc sống bà con thôn A Bung sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân vùng biên giới vốn còn rất khó khăn như ở thôn A Bung nói riêng, xã A Bung nói chung đang cần sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của nhà nước, các cấp, ngành để giúp họ sản xuất hiệu quả, bền vững, ổn định cuộc sống.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nguoi-dan-mong-moi-cong-trinh-thuy-loi-ang-treng-duoc-sua-chua/178730.htm