Người dân nhận tiền môi trường rừng qua tài khoản
Không phải sắp xếp thời gian chờ đến lịch để nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những năm gần đây, hầu hết chủ rừng ở Điện Biên đã nhận số tiền trên qua tài khoản ngân hàng. Chi trả tiền môi trường rừng qua tài khoản vừa mang lại cho chủ rừng sự thuận tiện, chủ động hơn trong việc nhận tiền chi trả vừa đảm bảo an toàn. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 3.620 chủ rừng mở tài khoản.
Được giao bảo vệ hơn 2.317ha rừng, mỗi năm cộng đồng bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ hưởng số tiền chi trả DVMTR cũng rất lớn. Đơn cử như năm 2021, bản Pa Tần được chi trả hơn 3,3 tỷ đồng tiền DVMTR. Theo ông Poòng Văn Sơn, trưởng bản Pa Tần, nếu như trước đây, để nhận tiền DVMTR phải chờ cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về chi trả dưới sự chứng kiến của xã nên mất rất nhiều thời gian, thủ tục… thì nay việc nhận tiền qua tài khoản nhàn hơn, nhanh hơn và rất an toàn. Thay vì phải đi cả nhóm và phải chờ đến lịch trả tiền trực tiếp thì giờ đây, bản chỉ cần cử người đại diện đi rút tiền về chi trả cho toàn bộ những người nhận khoán quản lý bảo vệ.
Đối với người dân bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, hình thức chi trả qua ngân hàng không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mà còn tăng tính minh bạch. Ông Chang Chùy Cà, đại diện cộng đồng bản Sen Thượng cho biết: Với gần 5.000ha rừng được giao quản lý, bảo vệ, mỗi năm cộng đồng bản được nhận hơn 4,8 tỷ đồng tiền DVMTR. Để đảm bảo công khai minh bạch, bản cũng phối hợp với xã, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh rà soát thông tin về diện tích, đơn giá, số tiền được hưởng. Sau khi được địa phương thông báo về việc chi trả tiền DVMTR là bản sẽ nhận được ngay số tiền trên. Với việc nhận tiền qua tài khoản muốn sử dụng bao nhiêu thì sẽ rút bấy nhiêu, số tiền còn lại cộng đồng có thể gửi ngân hàng để lấy lãi.
Với những tiện ích từ việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có thêm 209 chủ rừng mở tài khoản ngân hàng, nâng tổng số chủ rừng đã mở tài khoản đến nay là hơn 3.600/4.888 chủ rừng. Thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho thấy, năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, Quỹ đã chi trả trên 277,3 tỷ đồng tiền DVMTR, trong đó, chi trả qua tài khoản ngân hàng gần 274,9 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hơn 1.200 chủ rừng chưa mở tài khoản, chủ yếu ở các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ. Theo ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do chủ rừng bị sai lệch thông tin giữa quyết định giao đất giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng; Ban quản lý rừng cộng đồng chưa kiện toàn, chưa mở tài khoản ngân hàng theo tên thôn, bản mới do sáp nhập, đổi tên; chủ rừng còn thiếu bản đồ giao đất, giao rừng; chủ rừng già, yếu, đã chết; chủ rừng có diện tích ít, số tiền được chi trả thấp nên chưa mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR.
Thực tế cho thấy, việc chủ rừng chưa mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR gây ra vấn đề tiền tồn tại Quỹ mỗi năm một tăng thêm và khó khăn trong quản lý, theo dõi, tổng hợp số tiền chưa chi của chủ rừng. Cùng với đó, việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phải thực hiện chi trả bằng tiền mặt sẽ kéo theo nhiều bất cập như: rủi ro trong quá trình chi trả; chi phí cao do số lượng người trực tiếp tham gia chi trả đông, thời gian chi trả kéo dài, phải huy động các phương tiện vận chuyển và lực lượng chức năng bảo vệ; công tác kiểm tra, giám sát khó khăn, mất nhiều thời gian, nguồn lực. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến kết quả chung về việc chi trả không dùng tiền mặt cho các chủ rừng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
“Những tiện ích của việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản mang lại là không thể phủ nhận. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, đôn đốc các chủ rừng khẩn trương mở tài khoản ngân hàng, kiện toàn Ban Quản lý rừng cộng đồng và mở tài khoản ngân hàng theo tên thôn, bản mới của các chủ rừng sáp nhập, đổi tên. Đồng thời, đề nghị với cấp có thẩm quyền đôn đốc UBND các huyện, thị xã điều chỉnh trùng khớp thông tin tiểu khu, khoảnh, lô giữa quyết định giao đất, giao rừng với bản đồ giao đất, giao rừng để Quỹ chi trả tiền DVMTR đúng quy định” – ông Trần Xuân Tâm cho biết thêm.