Người dân Nhật Bản khổ sở, không dám bật điều hòa trong mùa phấn hoa
Mùa phấn hoa gây nên các triệu chứng dị ứng ở 40% người Nhật đã đến trước gần một tháng so với thông thường và mật độ các hạt phấn trong không khí dự kiến cao hơn mọi năm.
![Các bệnh dị ứng ở Nhật Bản gia tăng trong mùa phấn hoa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51453421/9450082a3e64d73a8e75.jpg)
Các bệnh dị ứng ở Nhật Bản gia tăng trong mùa phấn hoa.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết mùa phấn hoa đã bắt đầu sớm hơn trong năm nay. Mùa phấn hoa hay mùa dị ứng thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, nhưng năm nay phấn hoa tuyết tùng trong không khí được phát hiện ở Tokyo vào ngày 8/1, ngày sớm nhất từng được ghi nhận, NHK đưa tin.
Một cuộc khảo sát của Bộ Môi trường cho thấy số lượng nụ hoa tuyết tùng đực trên toàn quốc, nơi sản xuất phấn hoa, cao hơn một chút so với mức trung bình được ghi nhận trong 10 năm qua.
Con số này đặc biệt cao ở vùng phía tây Kinki, gấp 5,6 lần mức trung bình ở Kyoto và gần gấp 5 lần mức trung bình ở Osaka.
Bộ này cũng dự báo mật độ các hạt phấn trong không khí sẽ cao hơn bình thường, có thể khiến những người bị dị ứng bị ngứa mắt, hắt hơi và nghẹt mũi.
Saito Hiroshi, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm bảo tồn môi trường tự nhiên tỉnh Kanagawa, cho biết: "Với sự phát tán phấn hoa cao, nhiều người sẽ lần đầu bị dị ứng, trong khi những người vốn đã có tiền sử bệnh có thể có các triệu chứng nặng hơn".
Chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả những người chưa từng gặp phải triệu chứng "sốt cỏ khô" (dạng viêm mũi dị ứng gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh, nhưng không phải do virus mà do các tác nhân bên ngoài) cũng có thể cảm thấy khó chịu trong năm nay.
Ông Saito kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay bây giờ vì có những loại thuốc sẽ hiệu quả hơn khi bạn bắt đầu dùng chúng sớm. Một hiệu thuốc ở Tokyo đã bày bán sản phẩm chống phấn hoa sớm hơn thường lệ hai tuần.
Điều hòa bị đổ lỗi
Khi mùa sốt cỏ khô đến, người dân Nhật Bản phàn nàn về các triệu chứng dị ứng và một số người đổ lỗi cho việc sử dụng máy điều hòa không khí khiến phấn hoa bay vào phòng, theo một cuộc khảo sát của một nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn. Để ứng phó, các công ty đang tăng cường nỗ lực truyền bá thông tin rằng những lo ngại như vậy là không cần thiết.
Panasonic Corp. đã tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến vào tháng 1/2025 trên 524 người trong độ tuổi 20-60 về các biện pháp đối phó với phấn hoa trong nhà. Các câu trả lời phổ biến nhất bao gồm sử dụng máy lọc không khí ở mức 42%, phơi quần áo trong nhà ở mức 36% và đóng cửa sổ ở mức 33%.
![Các nhà sản xuất khẳng định điều hòa không khí không thể tự đưa phấn hoa từ ngoài trời vào trong nhà.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51453421/b1a729dd1f93f6cdaf82.jpg)
Các nhà sản xuất khẳng định điều hòa không khí không thể tự đưa phấn hoa từ ngoài trời vào trong nhà.
Một số người cũng nói rằng họ "hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí", mặc dù đây là một con số nhỏ, chiếm 3% số người được hỏi.
Trong một nghiên cứu mà Panasonic công bố vào năm 2023, 46% số người cho biết họ "tin rằng phấn hoa bay vào bên trong nhà qua máy điều hòa không khí". Một đại diện của công ty chỉ ra rằng "đây là sự hiểu lầm của nhiều người".
Máy điều hòa không khí về nguyên tắc lấy không khí từ phòng vào, làm ấm hoặc làm mát, sau đó thổi trở lại phòng. Người đại diện giải thích: "Với máy điều hòa không khí thông thường, không cần lo lắng về việc phấn hoa xâm nhập qua máy, vì vậy bạn không cần phải tránh sử dụng máy".
Tuy nhiên, việc sử dụng máy điều hòa có thể khuấy động phấn hoa đã bay vào phòng. Do đó, đại diện nhấn mạnh: "Khi trở về nhà, điều quan trọng là phải sử dụng con lăn xơ vải hoặc bàn chải để loại bỏ phấn hoa trên quần áo của bạn ở lối vào nhà và thường xuyên vệ sinh bên trong phòng bằng cách lau sạch phấn hoa bằng khăn ẩm, các phương pháp khác".
"Tuyên chiến" với phấn hoa
Theo Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản, lượng phấn hoa phát tán vào mùa xuân năm 2025 dự kiến cao ở nhiều khu vực trên toàn quốc so với bình thường.
Phấn hoa tuyết tùng phát tán có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 2 tại các khu vực bao gồm thành phố Fukuoka và Takamatsu, cũng như ở Tokyo. Dự kiến lan rộng ra một khu vực rộng hơn bao gồm các thành phố Hiroshima, Osaka, Nagoya, Kanazawa và Sendai từ đầu đến giữa tháng 3.
Khoảng 40% người Nhật được cho là gặp phải các triệu chứng của bệnh sốt cỏ khô - bao gồm ngứa, chảy nước mắt và hắt hơi - ngay khi quần thể cây tuyết tùng và cây bách khổng lồ của đất nước này bắt đầu rụng phấn hoa vào đầu năm.
![Mùa phấn hoa tuyết tùng ở Nhật Bản.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51453421/2a95b3ef85a16cff35b0.jpg)
Mùa phấn hoa tuyết tùng ở Nhật Bản.
Sự phổ biến của bệnh sốt cỏ khô ở Nhật Bản được cho là do chương trình tái trồng rừng sau chiến tranh, trong đó cây được trồng với tốc độ nhanh chóng để hỗ trợ ngành xây dựng của đất nước. Khi giá vật liệu xây dựng nhập khẩu giảm vào những năm 1970 và 1980, các khu rừng Nhật Bản được phát triển dày đặc và gây ra sự khốn khổ cho người dân trong mùa phấn hoa.
Mùa phấn hoa năm 2023 từng gây ra cơn sốt thuốc kháng histamine và các sản phẩm khác - từ thuốc xịt mũi đến kính bảo vệ - với một số cửa hàng báo cáo doanh số tăng gấp đôi so với ba tháng đầu năm 2022.
Trong một nghiên cứu năm 2020 về những người Nhật Bản bị sốt cỏ khô, khoảng 80% cho biết các triệu chứng khiến họ làm việc kém năng suất hơn. Một số công ty cho phép làm việc từ xa hoặc phát trợ cấp để nhân viên bị dị ứng "đi lánh nạn".
Theo Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ ấm hơn bình thường chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với người bệnh, khi phấn hoa ở một số khu vực bắt đầu phát tán sớm hơn.
Sốt cỏ khô thậm chí được gọi là "bệnh quốc gia" tại Nhật Bản. Vào tháng 5/2023, chính phủ nước này đã lập kế hoạch giảm 20% diện tích rừng tuyết tùng trồng nhân tạo trong 10 năm và giảm một nửa lượng phấn hoa phát tán trong 30 năm. Đến tháng 10/2023, nội các Nhật Bản đã phê duyệt chương trình ban đầu, bao gồm việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để dự báo sự phát tán phấn hoa.