Người dân nô nức du xuân
Ngay từ sáng sớm những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, người dân và du khách khắp nơi đã đổ về trung tâm thành phố Hòa Bình du xuân. Các điểm như Tượng đài Bác Hồ, chùa Hòa Bình Phật Quang, phố đi bộ... cùng các điểm
Ngay từ sáng sớm những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, người dân và du khách khắp nơi đã đổ về trung tâm thành phố Hòa Bình du xuân. Các điểm như Tượng đài Bác Hồ, chùa Hòa Bình Phật Quang, phố đi bộ... cùng các điểm "check-in” quen thuộc mọi năm, đặc biệt là Quảng trường Hòa Bình thu hút đông đảo người dân.
Nghi nhận từ sáng mùng 1, mùng 2 Tết, nhiều người đã đến dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Cứ mỗi độ xuân về, người dân trong và ngoài tỉnh đều đến thăm, dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ trong tiết trời se lạnh để thấy lòng phấn chấn hơn trong những ngày đầu năm mới. Để được ngắm toàn cảnh thành phố và lòng hồ Hòa Bình tĩnh lặng, mênh mang, để được nghe những câu hát chạm đến trái tim: "Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”. Cả cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Người là tấm gương cho các thế hệ học tập, noi theo. Chính vì vậy, mỗi độ xuân về, đông đảo Nhân dân đến dâng hương, đứng trước Bác để báo cáo những việc đã làm được trong năm qua và tự răn mình sẽ cố gắng hơn trong năm mới.
Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Hòa Bình ngay từ sáng sớm đã cùng chồng và 2 con đến dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ. Chị Mai cho biết: Đầu xuân năm nào tôi cũng cùng gia đình đến dâng hương Bác. Lên để tưởng nhớ Bác và mong cho cháu con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, xã hội ngày một phát triển, cuộc sống mỗi gia đình ngày một tốt hơn. Cảm xúc khi đến thăm Bác vào ngày xuân vô cùng thiêng liêng, ấm áp.
Du xuân, đi lễ chùa đầu năm là truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam đã có từ lâu đời. Người dân đi lễ chùa đầu xuân để mong cho gia đình năm mới mạnh khỏe, bình an, may mắn. Năm nay, tại chùa Hòa Bình Phật Quang, đông đảo người dân đã đi lễ từ ngày đầu xuân mới. Nhiều người xin chữ đầu xuân cho mình hoặc tặng bố mẹ, bạn bè, người thân.
Tại đền Mẫu, chùa Hòa Bình Phật Quang, ông đồ Xuân Quỳnh thuộc Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng, Trung tâm Bảo tồn văn hóa tôn giáo Việt Nam cho biết: Sáu năm qua, cứ vào đầu xuân, tôi đều lên chùa để tặng chữ cho Nhân dân cầu may mắn. Tục xin chữ đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn cầu tài, lộc, sức khỏe, bình an.
Quảng trường Hòa Bình là một điểm nhấn trong không gian văn hóa Tết tại thành phố Hòa Bình thu hút đông đảo người dân và du khách trong khu vực đến tham quan, thưởng ngoạn trong ngày đầu năm mới. Ngay từ trưa mùng 1 Tết, hàng ngàn người đã đến đây chụp ảnh lưu niệm. Trung tâm Quảng trường với cặp linh vật Rồng "Song Long chầu nguyệt" được người dân trong tỉnh và du khách thích thú chiêm ngưỡng, lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Được biết, cụm biểu tượng chào Xuân Giáp Thìn tại Quảng trường Hòa Bình sẽ phục vụ người dân và du khách qua Tết Nguyên đán cả tháng. Mặc dù người dân đổ về đây khá đông để chiêm ngưỡng linh vật Rồng nhưng mọi người đều có ý thức chấp hành nghiêm các quy định. ANTT luôn được đảm bảo. Không khí ngày đầu xuân phấn khởi, náo nức.
Dịp Tết năm nay, chị Nguyễn Thanh Vân, hiện đang công tác tại Tập đoàn Bảo Việt (Hà Nội) về thăm bố mẹ chồng tại TP Hòa Bình. Sáng mùng 2 Tết, chị cùng cả gia đình diện những bộ trang phục đẹp nhất du xuân và say mê chụp ảnh với cảnh đẹp, ấn tượng tại Quảng trường Hòa Bình. Khi được hỏi về cảm nghĩ đầu xuân, chị Vân chia sẻ: Quảng trường được trang trí rất đẹp. Linh vật rồng năm nay rất sinh động. Mỗi dịp Tết về thăm quê chồng đều thấy TP Hòa Bình đổi thay. Đặc biệt, tại quảng trường Hòa Bình 2 năm trở lại đây đều trang trí rất đẹp, tạo ấn tượng tốt với người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến với Hòa Bình mỗi dịp xuân về.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/186533/nguoi-dan-no-nuc-du-xuan.htm