Người dân nửa mừng nửa lo về tiến độ dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương

Nhiều người dân sống ven kênh Tham Lương, TP. HCM rất mừng khi dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương đã được khởi công vào cuối tháng 2/2023. Tuy nhiên, nhiều người dân lại tỏ ra lo lắng với tiến độ thi công hiện tại của dự án này.

Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối từ tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm đến tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) được Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM tổ chức Lễ khởi công vào ngày 23/2/2023.

Tổng mức đầu tư của dự án là 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM.

Lác đác công nhân làm việc tại gói thầu XL-06.

Lác đác công nhân làm việc tại gói thầu XL-06.

Được biết, dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với chiều dài 31,46km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó, xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Về việc bờ kênh Tham Lương được khởi công xây dựng và tiến hành cải tạo sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải tạo môi trường sống vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường gần 20 năm nay, anh V một người dân sống tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Từ khi biết được thông tin kênh Tham Lương sẽ được cải tạo và nhất là khi dự án được nhà thầu khởi công xây dựng. Nếu dự án đưa vào sử dụng thì tôi cũng như hàng nghìn người dân sống dọc hai bờ kênh sẽ không phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nữa”.

“Tình trạng ô nhiễm tại khu vực này đã diễn ra từ lâu và càng ngày càng nghiêm trọng. Sống tại khu vực này, có nhiều hôm mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ kênh làm chúng tôi vô cùng khó chịu, nhiều người cũng bị ảnh hưởng sức khỏe vô cùng nghiêm trọng bởi việc ô nhiễm nhưng cũng đành chấp nhận vì không đủ điều kiện chuyển đi nơi khác”, anh V chia sẻ.

Người dân hy vọng tình trạng ô nhiễm môi trường ven bờ kênh Tham Lương sẽ được cải thiện.

Người dân hy vọng tình trạng ô nhiễm môi trường ven bờ kênh Tham Lương sẽ được cải thiện.

Về nguyên nhân việc ô nhiễm tại khu vực, theo anh V thì có nhiều lý do như nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp nằm ven sông đã xả thải ra môi trường mà không được xử lý. Thêm vào đó, việc trong khu vực có rất nhiều xưởng in, nhuộm vải đã xả thải hóa chất trực tiếp ra môi trường mà không được xử lý. Cùng với đó, việc kênh Tham Lương không được khơi thông nên bị ách tắc gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.

Anh V cũng hồ hởi cho biết: "Tôi rất hy vọng dự án cải tạo trong khu vực sẽ hoàn thành đúng tiến độ, thứ nhất là để chất lượng cuộc sống của những người dân sống ven kênh Tham Lương sẽ được cải thiện. Thứ hai là tình trạng ô nhiễm môi trường cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn để người dân có được sống trong môi trường trong lành hạn chế việc ảnh hưởng sức khỏe bởi môi trường bị ô nhiễm".

Ngoài ra, anh V cũng băn khoăn về tiến độ của dự án. Theo anh V, sau khi nhiều cán bộ và nhà thầu thi công rầm rộ khởi công xây dựng dự án thì việc xây dựng tại gói thầu VL-06 đang có tình trạng thi công ì ạch.

“Hôm khởi công thì thấy máy móc với công nhân thi công có vẻ rốt ráo lắm. Nhưng nhiều ngày gần đây, khi đi ngang qua khu vực thi công tôi chỉ thấy lác đác vài công nhân có mặt tại công trường”, anh V cho biết.

Anh V cũng tỏ rõ lo lắng, với tình trạng thi công ì ạch thế này thì liệu dự án có được về đích đúng thời gian đã công bố là vào năm 2025 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cùng chung quan điểm với anh V, anh T một người dân trong khu vực này cũng rất lo lắng bởi việc có quá ít công nhân làm việc tại công trường không những thế anh T còn cho hay:

“Theo tôi được biết 9 gói thầu nằm trong dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên thì đều có mặt của Công ty Thanh Tuấn thì không biết công ty này có đủ tiềm năng với năng lực để có thể hoàn thành được hết các công việc tại dự án hay không”, anh T tỏ rõ lo lắng.

Tình trạng thi công ì ạch khiến người dân băn khoăn về tiến độ của dự án.

Tình trạng thi công ì ạch khiến người dân băn khoăn về tiến độ của dự án.

Cũng theo anh T thì theo thông tin anh tìm hiểu được biết Công ty Thanh Tuấn ngoài 9 gói thầu tại dự án này thì công ty này cũng đồng thời trúng nhiều gói thầu khác tại các tỉnh tại Đồng bằng Sông Cửu Long thì liệu công ty có thể thực hiện đúng tiến độ mà được quy định trong các Quyết định lựa chọn nhà thầu của cơ quan chức năng mà cụ thể là sẽ hoàn thiện vào năm 2025 được hay không vẫn là điều chưa thể nói trước.

Cũng liên quan đến Công ty Thanh Tuấn như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin, Công ty này đã trúng thầu và là nhà thầu thi công dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức (gói thầu số 14) thuộc Bờ tả sông Sài Gòn nhằm chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn, do triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ khu dân cư và các công trình bên trong dọc theo Bờ tả sông Sài Gòn.

Đê bao có 4 đoạn, với tổng chiều dài 1.515m, kết cấu chính bằng tường cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A liên kết với hệ cọc chịu lực bê tông cốt thép vuông có tiết diện (35x35)cm; M350 thông qua sàn giảm tải bê tông cốt thép; kết hợp neo trên hệ cọc bê tông cốt thép.

Thực trạng một đoạn đê bao thuộc dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức của Công ty Thanh Tuấn khởi công từ năm 2018.

Thực trạng một đoạn đê bao thuộc dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức của Công ty Thanh Tuấn khởi công từ năm 2018.

Dọc tuyến đê/kè xây dựng hành lang để phục vụ giao thông bộ kết hợp vận hành đê. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng cùng với hệ thống hành lang kỹ thuật tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp sau này và đặc biệt là tạo cảnh quan đô thị.

Chiều rộng mặt đê bao là 5m, cao trình đỉnh vỉa hè là 2,5m, cao trình đỉnh tường kè là 2,7m. Ngoài ra còn có bộ phận gia cố chân kè, mương thoát nước dọc tuyến kè, mái taluy, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bồn hoa.

Có 11 cống thoát nước có kết cấu bằng bê tông cốt thép M300 kiên cố. Hệ thống bến lên xuống với 5 bến được bố trí dọc theo tuyến đê bao, trong đó đoạn đê báo thứ 4 có 2 bến, các đoạn khác mỗi đoạn có 1 bến.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 443.701.829.000 đồng, dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2017 cho đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 23/5/2023, theo ghi nhận tại đoạn 1 thuộc khu vực ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật của dự án đến nay đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Tuấn vẫn chưa hoàn thiện xong việc thi công và bàn giao cho chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, ghi nhận thực tế công trình thi công nhiều vị trí đã hoàn thiện và bắt đầu xảy ra tình trạng lún, nứt. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy một đoạn dài chưa được hoàn thiện và chưa được lắp hàng rào bảo vệ tại khu vực sát mép sông.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực này, đoạn công trình chưa được lắp hàng rào này mới được thi công vào khoảng tháng 2/2023 và lý do chưa hoàn thiện theo người dân tại đây cho biết là đơn vị thi công thi công không đúng thiết kế dẫn đến tình trạng bờ bị cong vênh nên chưa được nghiệm thu.

Theo dự kiến đoạn đê bao này sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn còn nham nhở và chưa hẹn ngày bàn giao.

Theo dự kiến đoạn đê bao này sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn còn nham nhở và chưa hẹn ngày bàn giao.

Ghi nhận tại đoạn 2 của dự án, khu vực này đã thi công cơ bản, tuy nhiên vẫn còn vị trí chưa được lát gạch nền và có nơi vật liệu thi công vẫn ngổn ngang và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.

Đoạn 3 thuộc dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu khu vực Thủ Đức có chiều dài khoảng 77m đã thi công xong tuy nhiên, hiện trạng đang có tình trạng xuống cấp, lún nứt và cây cỏ mọc tại các khe của gạch lát nền tại khu vực này. Theo người dân ở đây cho biết tình trạng lún nứt tại đây đã xảy ra nhiều lần và cũng có người đến sửa chữa tuy nhiên thời gian sau tình trạng này lại tiếp diễn và chưa thầy có dấu hiệu kiểm soát được việc lún nứt và xuống cấp tại khu vực.

Phóng viên tiếp tục ghi nhận tại đoạn 4 nằm trong gói thầu số 14 của Công ty Thanh Tuấn thì thậm chí đoạn này nhà thầu thi công còn chưa thi công hoàn thiện và tại khu vực này vẫn nham nhở công trường thi công.

Theo ghi nhận đoạn 4 có chiều dài khoảng 500m, nhà thầu mới thi công được khoảng 50m còn lại công trường thi công vẫn đang được công nhân san lấp mặt bằng và thi công xây dựng. Tại công trường máy xúc, vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang và không biết đến khi nào khu vực này mới được hoàn thiện.

Phạm Thạch

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguoi-dan-nua-mung-nua-lo-ve-tien-do-du-an-xay-dung-ha-tang-va-cai-tao-moi-truong-kenh-tham-luong-77783.html