Người dân ở Nam Sách 'đua nhau' cắt hành thuê kiếm tiền tiêu Tết

Những ngày đầu tháng 1 này, người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Nam Sách (Hải Dương) rộn ràng rủ nhau đi cắt hành thuê. Trẻ em cũng háo hức theo bà, theo mẹ... đi cắt hành với mong muốn có tiền tiêu Tết.

Bà con cắt hành thuê kiếm tiền tiêu Tết.

Bà con cắt hành thuê kiếm tiền tiêu Tết.

Thời điểm thu hoạch hành cận kề dịp Tết là dịp để người dân khắp "làng trên xóm dưới" đi cắt hành thuê (thu hoạch củ hành - PV), nhất là người trung tuổi và trẻ em. Bà Trần Thị San (thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách) cho biết, phụ nữ ngoài 50 tuổi ở thôn thường làm nông nghiệp hoặc chăm sóc gia đình nên mong đến vụ hành để thêm thu nhập. Còn học sinh đã thi xong học kỳ cũng theo bà, theo mẹ ra đồng cắt hành. Số tiền kiếm được đủ để các em mua bộ quần áo mới diện Tết.

Hành là một trong những cây trồng phổ biến ở huyện Nam Sách, huyện Kinh Môn (Hải Dương).

Hành là một trong những cây trồng phổ biến ở huyện Nam Sách, huyện Kinh Môn (Hải Dương).

Mùa thu hoạch hành diễn ra khoảng 1 – 2 tháng. Việc cắt hành không gò bó về thời gian nên bà con vừa làm việc nhà vừa tranh thủ ra đồng, trung bình mỗi người cắt chừng 5 - 6 giờ/ngày. Mỗi cân hành được trả công cắt 1.000 đồng; hành bé tốn công hơn được trả 1.200 – 1.500 đồng/kg.

"Một ngày tôi cắt 1,2 – 1,5 tạ hành. Hôm nào có nhiều nhà thuê cắt,còn phải "chạy xô" từ nhà này sang nhà khác mà không hết việc", bà San chia sẻ.

Ngoài cắt hành thuê, người dân còn lượm dọc hành/ lá hành về nhặt sạch đem bán cho các chủ thu mua. Mỗi kg dọc có giá 5.000 – 7.000 đồng/1kg. Ngày nhiều mỗi người được 20 – 25kg, ngày ít được 10 – 15kg. Thời điểm cao vụ, có ngày mỗi người dân kiếm được vài trăm nghìn.

Tuy không phải ngày nào cũng có người bán và thuê cắt hành song mỗi vụ bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến) vẫn kiếm được gần 10 triệu đồng. “Với số tiền này tôi thoải mái để tiêu Tết. Tôi có thể sắm được vài thứ đồ dùng cho bản thân, không phải dùng tiền của con cháu. Nhờ cắt hành thuê, có người kiếm được trên 10 triệu đồng, còn mua được cả vàng để tích lũy”, bà Xuân "khoe".

Bà Sớ (gần 80 tuổi, thôn Cao Đôi) có “thâm niên” cắt hành thuê. Theo bà, đây là thời gian dễ kiếm tiền nhất trong năm đối với những người già như bà. "Mấy năm trước khi sức khỏe còn tốt, tôi mải mê cắt làm thông cả buổi trưa, không kịp ăn cơm", bà Sớ kể.

Hành ở huyện Nam Sách đang vào vụ thu hoạch nên rất đông người dân đi cắt thuê.

Hành ở huyện Nam Sách đang vào vụ thu hoạch nên rất đông người dân đi cắt thuê.

Nhờ có vụ hành mà người cắt thuê có thể kiếm được cả chục triệu đồng tiêu Tết.

Nhờ có vụ hành mà người cắt thuê có thể kiếm được cả chục triệu đồng tiêu Tết.

Không chỉ ban ngày, bà Lan (xã Nam Chính, huyện Nam Sách) cho biết, nhiều người còn mang đèn pin đi cắt hành trong đêm. Có hôm, chủ ruộng hành cần thu hoạch gấp, dù trời rất lạnh, bà Lan và các “đồng nghiệp” của mình vẫn không quản ngại vác dao, rổ, ghế đi cắt hành từ 2 giờ sáng. Khi về, mỗi bà lại mang về rất nhiều dọc hành để nhặt bán. Ai cắt được nhiều hành củ thì sẽ được nhiều dọc hành.

Ngoài ra đồng cắt hành củ thuê, người dân còn mang dọc hành/lá hành về nhà nhặt sạch đem bán.

Ngoài ra đồng cắt hành củ thuê, người dân còn mang dọc hành/lá hành về nhà nhặt sạch đem bán.

“Chúng tôi hay trêu đùa nhau rằng: 'ma hành dụ dỗ nên mới thành vậy'. Tính ra những ngày đi cắt hành được lợi cả đôi đường, vừa có tiền vừa đỡ được bữa cơm trưa”, bà Sớ hài hước nói.

Nhiều gia đình thuộc diện nghèo khó ở địa phương nhưng nhờ có vụ hành mà có "đồng ra đồng vao". Mùa hành, họ thường kéo cả nhà đi cắt hành thuê, đủ tiền để có một cái Tết ấm cúng.

Mấy năm gần đây, việc tiêu thụ hành khá tốt, nhiều thương lái thu mua tận ruộng nên người dân ở huyện Nam Sách cũng mạnh dạn trồng nhiều hơn. Nhà ít cũng vài sào, nhà nhiều lên tới vài mẫu. Trồng hành tuy vất vả, giá cả khi mua giống và khi thu hoạch thường bấp bênh nhưng so với việc trồng lúa thì thu nhập từ trồng hành vẫn cao hơn.

“Năm nào “sốt” hành, giá bán cao, mỗi sào được tầm 10 - 12 triệu đồng, giá thấp cũng được 6 - 7 triệu đồng/1sào. Còn 1 sào lúa phát triển tốt cũng chỉ được khoảng 1,7 triệu đồng, đó là năm giá thóc cao và chưa trừ đi chí phí”, một người dân địa phương chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, vụ đông năm nay, toàn huyện trồng trên 1.600ha hành, tăng hơn 100ha so với vụ đông năm ngoái. Trong đó, xã An Lâm có diện tích trồng lớn nhất với 226ha; tiếp đó là xã An Bình với 180ha; xã Nam Trung 170ha và xã Hợp Tiến trên 140ha. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được trên 80% diện tích.

Dương Tươi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-dan-o-nam-sach-dua-nhau-cat-hanh-thue-kiem-tien-tieu-tet-post501652.html