Người đàn ông 30 năm miệt mài xé quần jeans
Chú Trương Tấn Viễn - nghệ nhân xé quần jeans độc nhất ở Sài Gòn - chia sẻ mình đã theo nghề này được 30 năm và không có ai khác ở đất này làm cùng nghề.
30 năm qua, người dân xung quanh con đường Hồ Xuân Hương, Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) có lẽ đã quen với hình ảnh góc nhỏ treo vài chiếc quần jeans đặc biệt, mái tóc bạc phơ, bụi vải xanh từ người họa sĩ, trông có một vẻ gì rất bụi bặm, đường phố. Đó là chú Trương Tấn Viễn, người nghệ nhân với nghề rạch quần jeans độc đáo.
30 năm một mình - một nghề
Chú Viễn chia sẻ chú bắt đầu công việc này đâu đó từ 30 năm về trước. Khi ấy chú Viễn vẫn chỉ là một người họa sĩ, vẫn còn canh cánh nỗi lo về kinh tế khi dần thấy nghề họa sĩ không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Nhớ lại, bỗng thấy cái nghề đến với chú như một cái duyên. Khi thấy những ban nhạc nước ngoài mặc những chiếc quần jeans rách lạ mắt, chú cũng muốn làm thử. Rồi người họa sĩ tự đem chiếc quần của mình ra rạch, treo lên làm mẫu.
Lúc bấy giờ, nhiều người mới đến hỏi han. Rồi cái quần jeans "rạch" thứ hai, thứ ba ra đời. Không biết từ khi nào, nó bỗng trở thành cái nghề - một cái nghề độc lạ mà chỉ chú Viễn mới biết.
Dần dần quần jean rách trở thành một trào lưu. Nhiều bạn trẻ yêu thời trang bắt đầu tìm tới chú. Bẵng đi một thời gian, bây giờ chú Viễn đã có 30 năm gắn bó với nghề. Mỗi ngày chú rạch, xé không biết bao nhiêu là chiếc quần.
Có những giai đoạn, chú làm không ngơi tay bởi số lượng quá nhiều. Đến tận bây giờ, mỗi ngày chú đều có đơn hàng để làm. Ngày nào phải xé, rạch, custom (thiết kế lại) một chiếc quần thì chú chỉ làm từ 2-3 cái, còn những vết xé nhỏ, có khi một ngày người thợ lành nghề có thể xé cả chục chiếc.
Một vé xé của chú có giá dao động từ 20 - 50 nghìn đồng tùy vào độ lớn nhỏ. Còn đối với một chiếc quần được thiết kế lại thì giá sẽ dao động từ 200 - 500 nghìn tùy nhu cầu của khách hàng.
Bạn Hải, sinh viên ngành Thời Trang tấp chiếc xe vào lề rồi đưa chiếc quần jeans nhờ chú Viễn tùy ý rạch, xé. Bạn chia sẻ: "Mình biết chú Viễn qua một bài phóng sự. Bản thân là một sinh viên ngành thời trang, mình thấy những vết rạch xé của chú rất phù hợp với ý tưởng của mình nên mình mang thử quần đến đây".
Ngoài thiết kế cho những bạn sinh viên, những nhà xưởng, chú Viễn cũng đã từng nhận rạch quần cho những nghệ sĩ, người nổi tiếng. Chú còn chia sẻ một chuyện tình cờ nhìn thấy tấm hình ca sĩ Mono mặc chiếc quần do chính mình thiết kế. "Lúc đầu tôi cũng không biết, nhìn kỹ lại mới ngờ ngợ ra là chiếc quần do tôi làm. Những chiếc quần này rạch, xé rất táo bạo, phải mặc quần lót bên trong và chỉ hợp với ánh đèn sân khấu",
Chú Viễn thành thật chia sẻ rằng chắc không phải mỗi mình chú làm cái nghề này ở đất Sài Gòn. Đâu đó vẫn có những người biết rạch, biết xé quần jean nhưng họ không "ra mặt" đó thôi. Bởi thế mà đến giờ, người ta vẫn chỉ biết mỗi chú Viễn xé quần jeans.
Nhưng chú Viễn không muốn độc quyền nghề này. Chú kể: "Ai muốn học tôi đều dạy. Nhưng có những người học được vài ngày, vài tháng là người ta nghỉ. Muốn làm được nghề này 50% phải là sự kiên trì.
Ngoài ra còn phải có cả mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Kỹ thuật tôi có thể dạy được nhưng mỹ thuật cũng là tùy mỗi người. Tôi xuất thân là một họa sĩ nên tôi rất hiểu vì sao nghề này cần tư duy mỹ thuật, về bố cục, bố trí các vết rách như thế nào cho hợp lý. Ngoài ra còn phải biết dùng máy may nữa".
Không chỉ đơn thuần là những vết xé trên quần jean
Đối với chú Viễn, những chiếc quần jean xé không chỉ đơn thuần là cái nghề, mà đó còn là một niềm đam mê đối với mỹ thuật, hay đơn giản hơn chỉ là đối với niềm yêu quý thời trang, mà hiện hữu rõ nhất là thông qua những chiếc quần jean.
Chú Viễn kể, trước kia, con đường Hồ Xuân Hương là một con phố tấp nập chuyên bán quần jeans. Đó cũng là nơi bắt đầu sự nghiệp của chú. Thế nhưng giờ đây, cả con đường quần jean đã biến mất, chỉ còn mỗi góc nhỏ của chú Viễn còn treo vài chiếc quần jean lạ mắt.
Tôi có hỏi sao chú phải ra đây ngồi làm gì trong khi treo tấm biển ở một địa chỉ khác. Chú chỉ bảo rằng ở đây, nơi góc đường đối diện số nhà 21 Hồ Xuân Hương, đã trở thành một nơi quen thuộc. Ra con phố này ngồi với chú đã trở thành một thói quen suốt 30 năm.
Mỗi ngày 3 tiếng từ 15 giờ - 18 giờ, có một chút mưa thì dọn hàng vào, hết mưa thì lại đem ra chứ ít khi nghỉ. Có những ngày ngồi ở đây cũng không có khách, nhưng sẽ có thể trả hàng cho những vị khách ghé qua.
Ngoài sành điệu, quần jeans xé còn là một thú chơi "tiết kiệm" - theo lời người họa sĩ. Bởi khi mặc chán một chiếc quần jean, thay vì bỏ đi, khách hàng đưa đến tay chú thì đã có một chiếc quần khác để mặc, không phải tốn thêm tiền để mua quần mới. Ấy cũng là một trong những điều chú Viễn tâm đắc.
Chú Viễn không chỉ biết rạch, xé quần jeans, chú còn biết biến những chiếc quần jeans thành nhiều món đồ khác. Ví dụ cái túi đeo chéo được chú tạo ra từ chiếc quần jean đang treo trên tường kia có giá 300 nghìn đồng. Hay chiếc túi đựng nước đặc biệt của riêng người nghệ sĩ cũng được tạo từ một chiếc ống quần jean.
Dường như với chú, những chiếc quần jean không chỉ đơn thuần là một loại trang phục, mà hơn cả thế, nó gắn bó với từng nét sinh hoạt, trong từng đồ vật của chú Tấn Viễn.