Người đàn ông 40 tuổi bụng cứng như gỗ do uống nhiều rượu bia dịp Tết
Người bệnh uống rượu bia liên tục từ 26 Tết, không rõ số lượng.
Bác sĩ Mai Văn Lực, Khoa Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân vào viện khi đột ngột đau bụng, bụng cứng như gỗ.
Người bệnh cho biết anh liên tục uống rượu bia từ 26 Tết, không rõ số lượng. Các bác sĩ ghi nhận dạ dày bệnh nhân có một tổn thương mủn nát trên ổ loét, chẩn đoán thủng ổ loét dạ dày, tá tràng.
Ê kíp phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng, lau rửa bụng. Hiện, sức khỏe người bệnh phục hồi tốt.
(Ảnh minh họa).
Bác sĩ Lực nhận định trường hợp này nếu đến viện muộn, người bệnh có nguy cơ viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng, đe dọa tính mạng. Nguyên nhân thủng dạ dày có thể là uống nhiều rượu bia trên nền viêm loét cũ.
Thủng dạ dày là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Đặc biệt, phẫu thuật cho bệnh nhân cao tuổi, kèm theo nhiều bệnh lý nền nặng nề, nguy cơ tử vong do biến chứng mất máu, rò bục miệng nối rất cao.
Có nhiều nguyên nhân gây thủng dạ dày như chấn thương bụng kín, dị vật đường tiêu hóa, khối u, viêm ruột hoại tử, biến chứng từ ổ viêm loét...
Khi xuất hiện các dấu hiệu của thủng dạ dày tá tràng như đau bụng dữ dội, đau liên tục, nôn, bí trung đại tiện, sốt cao rét run, môi khô, hơi thở hôi… cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Với những người bệnh có triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng như nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… cần nội soi dạ dày và dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ, tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư.
Người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, học tập và lao động điều độ, xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ, hạn chế ăn muộn, thức đêm, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, chúng ta cần có ý thức khi sử dụng rượu bia:
Theo đó, chỉ nên sử dụng rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau khi uống rượu bia không nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động ở nơi nguy hiểm, không an toàn do nguy cơ té ngã, chấn thương... đồng thời không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia.
Không nên uống rượu bia lúc đói vì sẽ kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước súp, nước canh, đặc biệt là nên ăn rau xanh vì chúng có tác dụng giảm nồng độ cồn có trong rượu.
Nên hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn tương đương 10gr cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống).
Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).