Người đàn ông bị hoại tử, phải cắt bỏ hơn nửa ruột non vì ăn quá nhiều loại quả 'khoái khẩu' với nhiều người
Một số loại trái cây cứng, nhiều hạt hoặc nhiều nhựa khi ăn sai cách có thể gây khó chịu, thậm chí tắc ruột nguy hiểm.
Một người đàn ông ngoài 60 tuổi họ Chen (Đài Loan, Trung Quốc) đã phải cắt bỏ hơn một nửa ruột non vì ăn quá nhiều ổi. Người nhà ông kể lại, ông Chen vốn rất thích vị giòn ngọt của ổi lại nghe nói nó giàu vitamin C hơn cả cam, tốt cho hệ miễn dịch nên hễ vào mùa là lại ăn rất nhiều.
4 ngày trước, ông bắt đầu chán ăn, lúc nào cũng ôm bụng. Người nhà khuyên đi thăm khám thì ông Chen cho rằng mình chỉ bị khó tiêu vì ăn hơi nhiều ổi. Hai ngày sau đó, cơn đau bụng của ông trở nên dữ dội, sốt cao và da tái xanh nên gia đình vội vã gọi xe cấp cứu tới Bệnh viện Changhua Xiu Chuan (Đài Loan, Trung Quốc).
Bác sĩ phẫu thuật Huang Hanbin thuộc bệnh viện cho biết ông Chen bị tắc ruột, dính ruột nhưng không thăm khám kịp thời dẫn tới hoại tử ruột và thủng ruột. Ngay lập tức, ông đã được phẫu thuật cắt bỏ hơn một nửa ruột non đã hoại tử và xử lý phần tắc, dính do thực phẩm.
Một ngày sau ca phẫu thuật, ông Chen được chuyển từ khoa Cấp cứu sang khoa Tiêu hóa để tiếp tục theo dõi. Khi được bác sĩ giải thích nguyên nhân gây bệnh của mình liên quan tới sở thích ăn ổi, ông vừa bất ngờ lại vừa hối hận. Bác sĩ Huang nói thêm: “Bản thân các loại trái cây nhiều hạt, cứng hoặc nhiều nhựa khi ăn quá nhiều hay ăn lúc đói, kết hợp với một số thực phẩm khác có thể gây ra trướng bụng, khó tiêu, thậm chí tắc ruột nguy hiểm. Nhưng ở bệnh nhân này có 3 điểm quan trọng dẫn tới tình trạng nghiêm trọng như trên.
Một là không chỉ ăn nhiều, ông ấy còn thích ăn loại ổi cứng vì giòn và thường ăn cả phần ruột chứa nhiều hạt bên trong. Hai là ông đã có tuổi, hệ tiêu hóa kém đi. Thứ ba và cũng quan trọng nhất là năm ngoái ông từng phẫu thuật đại trực tràng. Điều này khiến ông dễ bị tắc ruột hơn khi ăn ổi. Cộng thêm sự chủ quan với các dấu hiệu, đến bệnh viện muộn và tiền sử phẫu thuật tiêu hóa làm bệnh tình trở nặng nhanh, dẫn tới hoại tử nguy hiểm tính mạng”.
Theo bác sĩ Huang, tắc ruột là tình trạng cơ thể người bệnh bị ngừng lưu thông hơi và dịch tiêu hóa trong lòng ruột. Có 2 kiểu tắc ruột phổ biến là: tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng. Khi ruột bị tắc, thức ăn không đi qua được sẽ gây ra các triệu chứng như sau:
- Đau bụng, co thắt dạ dày: Thường đau bụng thành từng cơn, giữa các cơn đau bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
- Buồn nôn, nôn mửa: Bệnh nhân sẽ cảm thấy buồn nôn và thường nôn ra thức ăn cũ, dịch tiêu hóa.
- Đầy hơi, trướng bụng: Bụng trướng hơi và có xu hướng tăng lên nếu không được điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp vị trí tắc ở cao (gần dạ dày) bụng trướng ít hoặc thậm chí không trướng.
- Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân tắc ruột thường không trung tiện và đại tiện được. Nhưng cũng có những người bị đi ngoài phân lỏng từng ít một,
- Mệt mỏi, chán ăn, suy giảm vị giác.
Bác sĩ Huang cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả với người trẻ, hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng phẫu thuật đường tiêu hóa khi ăn quá nhiều thực phẩm thô cứng, chứa nhựa, xơ… cũng có thể dẫn tới tắc ruột. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiêu hóa.
Nếu bạn có hệ tiêu hóa kém, hay táo bón thì tốt nhất hãy bỏ phần ruột ổi khi ăn. Ngoài ra, cần cẩn trọng với các thực phẩm khác dễ gây tắc ruột như:
- Các món từ gạo nếp.
- Măng khô, rau củ quá nhiều xơ và khó nhai nuốt.
- Trái cây cứng, nhiều hạt hoặc nhiều chất xơ, chất kết dính.
- Các loại thịt khô, thịt chế biến sẵn.
- Thủy hải sản có lớp vỏ cứng, khó tiêu hóa.
Đặc biệt, có một loại trái cây dễ gây tắc ruột, sỏi tiêu hóa khác được nhiều người yêu thích là trái hồng. Bác sĩ Huang nhắc nhở tuyệt đối không ăn trái này khi bụng đói, không ăn khi còn xanh hoặc nhiều nhựa, không ăn quá 2 quả mỗi ngày, người tiêu hóa kém chỉ ăn loại hồng chín nhũn.
Nguồn: ETtoday, Aboluowang