Người đàn ông cầm dao vô cớ tấn công hàng xóm trước mặt trẻ nhỏ: Hành vi nguy hiểm, xem thường pháp luật

Trong lúc anh L. đang cho con nhỏ ăn uống thì bị người hàng xóm cầm dao vô cớ xông vào căn hộ tấn công.

Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh một đối tượng cầm dao sang nhà hàng xóm tấn công người đàn ông trước sự chứng kiến của nhiều cháu nhỏ. Theo nội dung bài đăng, sự việc xảy ra sáng 21/7.

Anh H.Q.L. (người đăng bài viết) cho biết, anh và gia đình sống ở tầng 6, tòa B, chung cư The Light (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sáng 21/7, khi con trai tranh ghế ngồi với em, anh đã đã nói to với con. Sau đó, anh đi ra cửa thì bất ngờ bị một người đàn ông khoảng 60 tuổi cầm dao lao vào đâm trực diện.

"Người đàn ông sinh sống ở phòng bên mang dao nhọn dài khoảng 30cm chạy vào nhà tôi đâm trực diện. May mắn, tôi đã phản ứng kịp thời", anh L. viết.

Theo anh L., có nhiều người cũng từng là nạn nhân bị đối tượng này đe dọa.

Liên quan tới vụ việc trên, lãnh đạo Công an phường Trung Văn cho biết, đơn vị đang thiết lập hồ sơ báo cáo, xin ý kiến công an quận xử lý trường hợp trên.

Được biết, đối tượng 57 tuổi, ở một mình.

Hình ảnh anh L. bị đối tượng cầm dao xông vào nhà tấn công

Hình ảnh anh L. bị đối tượng cầm dao xông vào nhà tấn công

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm, qua dữ liệu camera và lời nhân chứng kể lại thì có thể thấy hành vi của người đàn ông cầm dao tấn công chủ căn hộ khác rất hung hãn, may mắn chưa có hậu quả thương tích xảy ra.

Trong sự việc này cơ quan công an bước đầu sẽ xác định nguyên nhân, diễn biến hành vi và hậu quả xảy ra là gì, để làm rõ khả năng nhận thức của đối tượng. Trong trường hợp đối tượng có dấu hiệu không bình thường về mặt nhận thức, cơ quan công an cũng sẽ trưng cầu giám định tâm thần để có căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý.

Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng bày tỏ quan điểm về vụ việc

Luật sư Nguyễn Văn Đồng bày tỏ quan điểm về vụ việc

Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 206). Bản kết luận giám định sẽ là căn cứ để các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự đối với người có liên quan.

Ngoài ra tại Điều 21 (Bộ luật Hình sự 2015) quy định, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh.

Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất điều khiển hành vi thì sẽ được xác định theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghĩa là, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã lâm vào tình trạng mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa người phạm tội vào một cơ sở điều trị để được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khoảnh khắc xe máy lao sập lan can sắt rồi rơi xuống hồ nước khiến 2 người tử vong

C.Lê - K.Bắc

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-cam-dao-vo-co-tan-cong-hang-xom-truoc-mat-tre-nho-hanh-vi-nguy-hiem-xem-thuong-phap-luat-172230725100010773.htm