Người đàn ông đang nằm nghỉ đột nhiên nôn ra máu
Đang nằm nghỉ, ông C. (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) nôn ra khoảng một chén máu có màu đỏ bầm. Trước đó, bệnh nhân chưa từng đau dạ dày hoặc có hiện tượng trên.
Sáng 25/9, bác sĩ Mai Hóa, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết, bệnh viện vừa cứu sống ông N.T.C. (69 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) bị nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa trên.
Theo đó, ông C. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, huyết áp không đo được. Nhanh chóng, bác sĩ đã hồi sức cho bệnh nhân và huyết áp dần ổn định.
Sau đó, ông C. được xét nghiệm khẩn và các bác sĩ đã hội chẩn để nội soi cấp cứu.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện, dạ dày có nhiều máu cục, giãn tĩnh mạch thực quản, giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày và có 1 búi giãn phình vị đã vỡ đang chảy máu thành tia. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thắt cầm máu bằng vòng cao su.
Bác sĩ Mai Hóa cho biết, thông thường, khi bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản thì chỉ cần thắt búi giãn để cầm máu là đủ. Nhưng đối với giãn tĩnh mạch phình vị thì chỉ có một số vị trí đặc biệt mới có thể thắt cầm máu. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
“Búi giãn tĩnh mạch phình vị của ông C. nằm ở vị trí có thể thắt được nên chúng tôi đã nhanh chóng nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch, cầm máu tạm thời cho người bệnh. Sau đó, để dự phòng nguy cơ tái chảy máu của búi giãn đã thắt, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị và điều chỉnh một số điều kiện để có thể tiến hành chích xơ tĩnh mạch phình vị”, bác sĩ Mai Hóa giải thích.
Chích xơ tĩnh mạch điều trị búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày, nội soi thắt cầm máu giãn tĩnh mạch thực quản là kỹ thuật ít xâm lấn nhất, hiệu quả cao. Kỹ thuật này tương đối phức tạp, đòi hỏi ê-kíp thực hiện phải có trình độ chuyên môn cao trong việc thực hiện, hạn chế và xử trí kịp thời biến chứng.
Lý giải về tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân C. dù trước đó chưa từng bị đau dạ dày hay nôn ra máu, bác sĩ Mai Hóa cho biết, do ông C. có dấu hiệu xơ gan giai đoạn đầu khiến xuất huyết tiêu hóa nặng do vỡ tĩnh mạch phình vị.
Bên cạnh đó, qua khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân cũng thường xuyên uống rượu và không hề biết mình bị xơ gan do không khám sức khỏe định kỳ.
Sau 5 ngày phẫu thuật, hiện sức khỏe ông C. đã ổn định, không chảy máu, ăn uống được, đi cầu bình thường.
Bác sĩ Mai Hóa lưu ý, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan. Tế bào gan thoái hóa mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Các bệnh nhân có nguyên nhân xơ gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện khi bệnh đã nặng, cơ thể xuất hiện các biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hóa, vàng da, cổ trướng, viêm tụy.