Người đàn ông đột ngột khó thở, nhồi máu cơ tim sau khi tắm

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 bên 2mm, thở gắng sức nhiều.

Ngày 24/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, điều trị thuốc không đều. Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, can thiệp động mạch vành qua da. Kết quả chụp chiếu cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp đặt stent tái thông động mạch.

Trước đó, sau khi tắm xong, ông D. 60 tuổi, đột ngột khó thở và hô hoán người nhà. Bệnh nhân ngay lập tức được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

(Ảnh minh họa).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử 2 bên 2mm, thở gắng sức nhiều, tần số thở 30 lần/phút, Spo2 90%, tím môi và đầu chi.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, kháng tiểu cầu và kháng đông. Sau khi hội chẩn cấp cứu với chuyên khoa nội tim mạch, các bác sĩ đã thống nhất can thiệp động mạch vành qua da cấp cứu.

Kết quả chụp mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy, tắc hoàn toàn động mạch vành phải từ đoạn một mạch vôi hóa kèm huyết khối; hẹp 80% nhánh Diag I và hẹp 90% LCX II.

Ekip can thiệp tiếp tục tiến hành hồi sức cho bệnh nhân trên bàn can thiệp bằng an thần, thở máy, dùng vận mạch và thuốc trợ tim tăng cường co bóp can thiệp.

Đồng thời, các bác sĩ cũng can thiệp đặt stent tái thông động mạch thủ phạm và động mạch vành phải. Sau 3 giờ can thiệp, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, được điều trị hồi sức tích cực, không còn khó thở và huyết động ổn định.

Theo BSCKI Bùi Công Hải, Khoa Tim mạch, nhồi máu cơ tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao, đặc biệt đối với người bệnh cao tuổi kèm bệnh lý nền.

Đặc biệt, can thiệp đặt stent xử trí tắc động mạch vành do nứt vỡ các mảng xơ vữa là can thiệp có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ can thiệp tim mạch phải giàu kinh nghiệm, thao tác cẩn trọng, khéo léo trong quá trình thực hiện thủ thuật hút huyết khối, nong bóng, đặt stent để hạn chế nguy cơ tắc stent sau này", bác sĩ chia sẻ.

Theo các chuyên gia, bệnh cảnh tắc động mạch vành cấp tính chiếm 0,37-2,96% các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.

Tắc động mạch vành là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến cố như nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim, tai biến mạch máu não, tàn phế, tử vong.

Để giảm nguy cơ tắc mạch vành và nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý và điều trị tốt các bệnh lý nếu có như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...

Ngoài ra, người dân cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm…

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-dan-ong-dot-ngot-kho-tho-nhoi-mau-co-tim-sau-khi-tam-204242407140006878.htm